![]() |
Đầu Xuân
Đọc “Spe Salvi
– Hi vọng ki-tô giáo”
|
Phạm
Hồng-Lam
|
Năm trước, khi giới thiệu Thông điệp đầu tiên của
mình (Deus Caritas est - Thiên Chúa là Tình yêu), giáo chủ
Biển-đức XVI đã mời độc giả bước lên con tàu không gian, mà thi sĩ
Dante (1265-1321) người Í đã mô tả trong tập trường thi Divina
Comedia của ông, để cùng làm một chuyến du hành vũ trụ. Đi mãi,
đi mãi, xuyên hết mọi hành tinh, cuối cùng con người sẽ gặp một
“Nguồn Sáng bất tận, vô biên”. Nguồn sáng đó, người Ai-cập xưa có
lúc gọi là thần Mặt Trời, người Hi-lạp bảo là Lửa. Mà dù với tên gọi
nào đi nữa, thì Nguồn Sáng đó là “nguyên lí nền tảng” làm chuyển
động và tạo nên sự sống cho vũ trụ. Và Dante gọi Nguồn Sáng đó là
Thiên Chúa. Hơn một ngàn năm trước đó, tác giả Tin Mừng Gio-an lại
gọi đó là Tình Yêu: “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1 Yo 4, 16).
Ki-tô hữu từ hai ngàn năm nay xác tín rằng, Tình yêu Thiên Chúa
chính là khởi nguồn của vũ trụ và sự sống.
Hôm nay, để giới thiệu Tông thư thứ hai “Spe
Salvi - Hi vọng ki-tô giáo” của Giáo chủ, tôi cũng muốn mời độc
giả làm một cuộc viễn hành khác, bằng chuyến xe lửa kinh dị của nhà
văn Friedrich Dürrenmatt. Dürrenmatt kể trong chuyện “Der Tunnel
- Đường hầm”: Đoàn tàu đi vào một đường hầm. Hành khách trên tàu cứ
tưởng đó cũng là một đường hầm như bao đường hầm khác. Có vào thì có
ra. Nhưng chuyến vượt hầm cứ kéo dài mãi. Tốc độ con tàu càng lúc
càng tăng. Hành khách bắt đầu đâm lo, rồi hoảng. Cuối cùng, một hành
khách lấy được bình tĩnh, men lần tới phía đầu phòng lái. Phòng lái
trống không! Và qua màn kính, người đó thấy con tàu cứ lao vun vút
vào một vực thẳm tối đen, hun hút, kinh hoàng… Chuyện chấm dứt. Dĩ
nhiên, có thể hiểu Dürrenmatt muốn dùng câu chuyện để nói lên hoàn
cảnh “không người lái” của thế giới trong thời hiện đại, đặc biệt kể
từ khi Friedrich Nietzsche hân hoan loan báo đã giết Thiên Chúa.
Nhưng, ta hãy trở lại chuyện con tàu. Hoạt cảnh
sau đây là của người viết bài này. Khi hay biết cơ sự, trên tàu
hoảng loạn, diễn ra cảnh thiên đàng lẫn địa ngục. Có vài hành khách
trai trẻ, đầu chít vội mảnh khăn xanh, quấn bom vào mình lao vào
những nhóm hành khách khác, nổ tung. Họ cho rằng vì tội lỗi của
những đám vô đạo kia nên mới ra cơ sự. Phải giết chúng để mình được
cứu rỗi. Ở những toa khác, trong cơn nguy khốn chờ chết, người ta
mỗi người rút vào một góc, trong số đó có cả những tên cướp đã vứt
đao, tịnh tâm mong kịp thời còn cởi bỏ được mọi ham muốn phàm trần,
để nhẹ gánh vào kiếp luân hồi. Chẳng mấy ai trong họ tin có thể đạt
tới vô thường, nhưng viễn ảnh vào một tình trạng bớt khổ hơn ở kiếp
khác cũng làm họ an tâm đôi chút trong giờ phút lâm tử. Trong khi đó,
một số tay chuyên nghề trấn lột chạy đôn đáo hết toa này sang toa
kia tìm khổ chủ để xin lỗi và trả lại những gì đã bị cướp giựt, vì
biết rằng trước sau gì cũng phải trả lẽ công lí trước toà án sau
cùng. Một số hành khách mắt xanh mũi cao thì lại hốt hoảng chạy tìm
giải thoát nơi các tín ngưỡng của các dân tộc sơ khai, vì họ đổ cho
rằng, Thiên Chúa giáo với những giáo huấn về tội, thiên đàng, hoả
ngục, ngày phán xét… đã cướp mất cái hồn nhiên ban đầu của con người
và khiến họ lo sợ trước cái chết. Và họ cũng đã thấy trong một đôi
toa người ta đang hoảng hốt cắt cổ mổ bụng những thiếu niên nam nữ
xinh đẹp nhất để làm tế vật xoa dịu cơn thịnh nộ của thần chết. Và,
đó đây trong một vài toa, vẳng lên trong không khí ngột ngạt tiếng
ca: “Dầu tôi đi qua thung lũng tối đầy hiểm nguy, tôi vẫn không
sợ gì, vì có Chúa ở bên tôi… Cây trượng và cây gậy Chúa đỡ tôi,
khiến tôi an lòng…” Người ta thấy những nhóm hành khách, không
đông, quây quần bên nhau vui vẻ ca hát và cầu chúc nhau ra đi bình
an. Như chẳng có chuyện gì đang xẩy ra.
Chẳng nói, độc giả cũng thấy có hai hình ảnh
trong hoạt cảnh trên nói lên ít nhiều thái độ và hành động của ki-tô
hữu. Thái độ bình thản ca hát, vì tin tưởng và hi vọng vào sự quan
phòng của Chúa. Thái độ hồi tâm quy chánh, vì nghĩ tới công lí và
hồng ân của ngày phán xét. Tắt lại, vì có Chúa, nên ki-tô hữu sống
“không vô vọng như những người khác.” Vì tin và hi vọng vào Chúa,
nên ki-tô hữu không hốt hoảng, trái lại bình tâm vui vẻ đón chờ cái
chết. Họ biết, họ đã sống một cuộc đời có í nghĩa, nên nắm chắc cuộc
sống của họ sẽ không kết thúc trong hư vô. Họ tin rằng, nếu thật
tình sống theo lời Chúa, cuối cùng thì họ cũng được đưa vào Nguồn
Sáng bất diệt trên kia, và được ở lại vĩnh viễn (sống đời đời) trong
Tình Yêu sự sống đó.
Nếu chỉ muốn tóm tắt Tông thư của Giáo chủ, thì
chúng ta có thể kết thúc ở đây. Vì tất cả chỉ có thế. Giáo chủ
Biển-đức chỉ muốn nói lên điều này: Con người sống giữa đời cần có
hi vọng, từ những hi vọng cỏn con thường ngày đến những hi vọng lớn
hơn trong nghề nghiệp, tình yêu, gia đình… Hi vọng là những chiếc
thuyền chở tôi băng qua đồi núi, thác ghềnh cuộc đời. Hay nói như
giáo chủ Biển-đức, hi vọng là cái “ẩn số không biết mà biết” đẩy ta
đi tới. Mỗi hi vọng đáp ứng một nhu cầu cá biệt. Nhưng có một hi
vọng chung nhất, rốt ráo nhất, hầu như ai cũng đặt ra cho mình, khi
đối diện với cuộc sinh tử: Làm sao để đời tôi được viên mãn hạnh
phúc? Hay nói theo ngôn ngữ ki-tô giáo, làm sao tôi đạt được “sự
sống đời đời”, đạt tới “cứu độ”? Chỉ có Thiên Chúa, kì cùng ra, mới
giúp tôi đạt đến được hi vọng đó, chứ chẳng phải là khoa học, hay lí
trí hay cái gọi là “xã hội chủ nghĩa khoa học”, mà con người một
thời tin theo và đã thất vọng.
Lược qua vài điểm nội dung Tông thư
Nhưng, như đầu bài gợi í, tôi muốn mời độc giả
cùng đọc Thông thư, để cùng tìm hiểu và nhắc nhở nhau về cái kho
tàng nền tảng thứ hai (sau Deus caritas est) cuả Ki-tô giáo,
mà giáo chủ Biển-đức đã mở ra cho chúng ta trong dịp mùa vọng – mùa
của hi vọng – vừa qua.
Trong một buổi chuyện trò, một trí thức xã hội
chủ nghĩa đã lớn tuổi hỏi tôi: Thưa anh, Kinh Thánh Thiên Chúa giáo
viết gì trong đó, anh có thể tóm tắt cho tôi hiểu được không? Thật
tình vị này muốn tìm hiểu đạo. Tôi lúc đó đã không biết phải trả lời
như thế nào, phải bắt đầu từ đâu với một cuốn sách cả ngàn trang,
bàn hết chuyện trên trời dưới đất, kéo dài cả nhiều ngàn năm. Làm
sao có thể tóm gọn được nội dung!
Nhưng sau khi đọc được Spe Salvi, tôi thấy
câu trả lời chẳng còn khó khăn. Toàn bộ Kinh Thánh, nói theo giáo
chủ Biển-đức, được tóm lại trong chữ Tin. Tâm điểm của vấn đề là
Tin. Mà Tin, theo như Kinh Thánh hiểu và Giáo hội sơ khai minh chứng,
cũng đồng nghĩa với Hi vọng. “Tin là bản chất (nền tảng/ bảo
chứng) của điều ta hi vọng, là bằng chứng của những gì ta không
trông thấy” (Rom 11,1). Tiếng Đức có hai từ để dịch chữ la-tinh
“Fides” (đức tin): Glauben (tin) và Vertrauen (phó thác, cậy trông).
Tin là Hi vọng. Đức tin mở ra cánh cửa Hi vọng. Và Hi vọng dẫn ta
tới hành động, làm đổi đời ta. “Để mở rộng kiến thức, cần khoa
học tự nhiên, nhưng để hành động, phải cần đức tin”, Max Planck
(1858-1947) nhà vật lí cha đẻ thuyết lượng tử (Quantentheorie) nổi
tiếng của Đức đã khẳng định như thế. Hi vọng mở ra một tương lai cho
ta vươn tới. Vì thế, cuộc đời của người theo Chúa có hậu, chứ không
vô vọng “như những người khác vì không có Chúa…” Nhờ gặp Chúa,
tin vào Chúa, mà ki-tô hữu có một cuộc sống khác, đời họ đổi khác.
Trải dài trong lịch sử ki-tô giáo có vô số bằng
chứng nói lên điều đó. Không cứ gì ở Rô-ma cổ, mà cả ở Kẻ Chợ, đâu
đâu dân ngoại cũng trầm trồ ngỡ ngàng về “những kẻ theo đạo yêu
thương”. Đạo gì mà quả lạ, chưa gặp nhau mà họ đã yêu nhau rồi! Nhìn
vào những tấm gương mới hơn: một An-tịnh (Augustinus), một I-nhã ở
Loyola, một Phan-sinh ở Assisi, một Tê-rê-xa ở Calcutta… Trác táng
hay khó tính đến đâu đi nữa, sau khi gặp Chúa, đời họ chuyển hướng.
Hay như tấm gương thánh Bakhita, mà giáo chủ Gio-an Phao-lô mới đưa
lên bàn thánh, và đã được giáo chủ Biển-đức nêu danh trong Tông thư.
Bakhita là một cô gái nô lệ ở Sudan, bị người ta năm lần bảy lượt
mang ra chợ trời bán và đánh đập tàn nhẫn (với tổng cộng 144 vết
thẹo trên mình). Cuối cùng về làm nô lệ cho một công chức, và ông
này đã mang cô về Í để hầu hạ gia đình ông. Ở đây, cô đã gặp được
ông Chủ lí tưởng của cô, đó là “Chủ” Giê-su, và từ đó đời cô biến
đổi hoàn toàn. Thành một nữ tu hết lòng phục vụ cộng đoàn và không
ngừng đi khắp đây đó để loan báo cho mọi người hay về cuộc đổi đời
và về ông Chủ mới của mình.
Biến chuyển trong thời mới
Khi nhìn lại quá trình lịch sử trong mấy trăm năm
gần đây, ta thấy đức tin / hi vọng ki-tô giáo bị ảnh hưởng nặng nề
bởi Thời mới (từ thế kỉ 16 trở đi). Đấy là thời mở màn Tiến bộ khoa
học với hai hậu cảnh lớn là Lí trí và Tự do. Thời mới đã ảnh hưởng
lên Hi vọng ki-tô giáo trên hai mặt. Nó làm thay đổi mục tiêu của Hi
vọng, và đẩy Đức tin vào vòng cá nhân.
- Thay đổi mục tiêu Hi vọng: Cho tới lúc này, con
người đặt hết hi vọng vào Thiên Chúa qua đức Ki-tô. Ngài sẽ “cứu độ”
họ, bằng cách giúp họ lấy lại được những gì đã mất khi bị đuổi khỏi
vườn địa đàng. Ngài sẽ mở cánh cửa hạnh phúc đời đời của “Vương quốc
Thiên Chúa”, để con người bước vào. Cuộc sống viên mãn là đó. Hạnh
phúc tràn đầy là đó. Ơn cứu độ là đó. Chính Chúa là kẻ sẽ trao cho
họ chìa khoá hạnh phúc, cuộc sống đời đời.
Nhưng tiến bộ không ngừng gia tăng của khoa học
đã làm choá mắt con người. Tiến bộ khoa học dựa trên nền tảng khám
phá ra các quy luật thiên nhiên. Và với những khám phá đó, con người
nghĩ rằng mình đã lấy lại được địa vị bá chủ trên tạo vật của mình,
cái địa vị uyên nguyên mà họ đã có khi còn trong địa đàng. Như vậy,
thì tôi mới là chủ thật, chứ cần gì “cái giả thuyết Thiên Chúa” (Laplace[1]
kia nữa. Với sức người, sỏi đá cũng thành cơm mà. Như thế,
thì cần gì cái “Vương quốc Thiên Chúa” xa xôi nào nữa. Hi vọng vào
Chúa giờ đây chuyển sang hi vọng vào Tiến bộ khoa học. Mà Tiến bộ
khoa học cũng đồng nghĩa với khả năng bá chủ của Lí trí. Và, tôn thờ
Lí trí cũng có nghĩa là phải chống lại mọi trói buộc của tôn giáo,
đồng thời phải đòi cho con người được Tự do vô giới hạn. Con người
giờ đây là tối cao. Nó tự đặt ra chân lí cho nó. Nó tự tạo công lí
cho nó. Nó sẽ tự cứu độ nó, chẳng cần phải ai giúp. Và lịch sử kinh
hoàng của thế kỉ 20 với hai trận thế chiến, với các chủ nghĩa cộng
sản và phát xít, độc tài cực đoan cho thấy con tàu không người lái
đã đưa nhân loại về đâu. Vì khi không còn Thiên Chúa cầm lái nữa,
thì chỉ còn luật kẻ mạnh, mọi người có quyền tự do làm điều mình
muốn. Hitler, Mussolini, Franco, Lenin, Stalin, Mao, Hồ, Polpot, cha
con Kim Nhật Thành, Adi Amin, Taylor … đã hành xử cái tự do chính
đáng của họ.
- Cá nhân hoá đức tin : Đã có Vương quốc con người, không cần gì hi
vọng cứu rỗi nơi «Vương quốc Thiên Chúa » nữa. Thời mới và khoa học
thật ra không (thể) triệt tiêu Thiên Chúa. Nhưng trước sức ép vũ bão
của chúng, Ki-tô giáo đành bảo nhau mang Hi vọng rút vào sân sau cá
nhân cố thủ. Vì vậy, càng ngày nó càng bị chỉ trích mạnh mẽ. Người
ta bảo rằng, Hi vọng ki-tô giáo là thứ thuần tuý cá nhân chủ nghĩa,
nó giúp con người chạy trốn khỏi thế giới đầy bất hạnh, để đi tìm
cứu rỗi cho riêng mình. Karl Marx đã điểm được yếu huyệt này, nên đã
cổ vũ một cuộc cứu độ tập thể. Ngọn cờ tập thể này đã mê hoặc bao
nhiêu thế hệ trong thế kỉ 20, đặc biệt nơi giới gọi là trí thức.
Nhưng cứu độ của ông không bằng phương tiện Tình yêu (như Ki-tô giáo
chủ trương), mà bằng con đường chém giết, bằng những cuộc cách mạng
long trời lở đất. Nhân danh tập thể, ông coi con người cá nhân là
thứ rác rưởi, dùng làm nhiên liệu cho cỗ máy cách mạng. Và lịch sử
đã cho thấy chủ trương cứu rỗi tập thể và Vương quốc con người hoang
tưởng do Marx và hậu duệ của ông hô hào thiết lập đã đi về đâu.
Tóm lại, để giải quyết cái khủng hoảng không người lái hiện tại của
thế giới, theo giáo chủ Biển-đức, một đàng Thời mới phải tự kiểm
điểm, bằng qua đối thoại với Ki-tô giáo và bằng cách tìm hiểu khái
niệm Hi vọng của nó; đàng khác Ki-tô giáo cũng phải tự xét lại mình.
Ki-tô giáo phải tự hỏi, đâu là nội dung Hi vọng thực sự của mình, và
Hi vọng đó có thể và không có thể mang lại ơn ích gì cho thế giới?
Còn Thời mới sẽ phải tự hỏi, đâu là thực chất của Tiến bộ, nó hứa
hẹn gì và không hứa hẹn gì? Bởi vì, nếu Tiến bộ kĩ thuật không đi
đôi với sự tăng trưởng đạo đức, thì nó sẽ chẳng phải là tiến bộ, mà
là mối đe doạ cho nhân loại và thế giới, như ta đã và đang thấy.
Thời mới cũng phải hỏi, đâu là biên giới của Lí trí và Tự do:
« Phải chăng thứ lí trí giúp mở rộng khả năng thể chất của ta và
giúp ta hành động đã là toàn bộ lí trí? Nếu tiến bộ đòi hỏi sự gia
tăng đạo đức của nhân loại, thì loại tiến bộ về khả năng và hành
động cũng nhất thiết phải được bổ túc, bằng cách nó phải mở ra cho
lực cứu độ của đức tin và cho sự phân biệt tốt xấu. Chỉ có như thế,
nó mới là lí trí con người đích thực. Để được gọi là lí trí con
người, lí trí đó phải có khả năng hướng đạo cho í muốn; và để làm
được điều này, lí trí đó dứt khoát phải vượt lên trên chính nó. Nếu
không, thì với tình trạng mất thăng bằng giữa một bên là khả năng
thể chất và bên kia là thiếu phán đoán của con tim, con người sẽ trở
thành mối đe doạ cho chính mình và cho tạo vật. Về “tự do” cũng vậy.
Ta phải nhớ rằng, tự do con người luôn đòi hỏi một sự song hành của
nhiều tự do. [Tự do cũng có nghĩa là tự do làm điều xấu] Nhưng,
không thể có được sự song hành này, nếu như các tự do đó không được
chỉ đạo bằng một khuôn thước nội tâm chung, và khuôn thước này là
nền tảng và là mục tiêu tự do của chúng ta. » (23)
Môi trường học hỏi và đào luyện Hi vọng.
Tông thư gồm 50 đoạn, nội dung tương đối ngắn (bản dịch Việt ngữ
có thể lấy xuống từ www.liendoi.net), nhưng trọng lượng khá nặng,
vì sự súc tích và chiều sâu kiến thức của nó. 31 đoạn đầu bàn về lí
thuyết, mà chúng ta đã lược qua một vài điểm trọng yếu trên đây.
Đoạn 32 tới 48 trình bày phần thực hành Hi vọng. Hai đoạn cuối là
một bài ca tuyệt đẹp về Mẹ Maria như là mẫu gương Hi vọng.
Về môi trường học tập và thực hành Hi vọng, Giáo chủ kể ra ba : Cầu
nguyện, Hành động và khổ đau, Cuộc phán xét.
Cầu nguyện là môi trường căn bản đầu tiên để luyện tập và thực hành
đức tin. Đó là nhựa sống từ lòng đất thân cây hút vào để nuôi sống
mình. Trong mục này, Giáo chủ nhắc tới gương cầu nguyện của cố hồng
i Nguyễn Văn Thuận. Trải qua 13 năm tù, trong đó 9 năm biệt giam,
cầu nguyện đã trở thành nguồn Hi vọng sống sót của ngài, mà ngài đã
gọi đó là « Đường Hi Vọng ». Trong cầu nguyện, ta không còn cô đơn.
Nỗi cô đơn của ta (Solatio), đã có một kẻ khác cùng hiện diện trong
đó và được chia sẻ (Cum / Con): Con-solatio. Con đường hi vọng đó
giúp tôi vươn tới, vượt lên trên cả những o ép và đày đoạ của quyền
lực chính trị. Nó giúp tôi chấp nhận và vượt thắng khổ đau, vì tôi
hiểu rằng đau khổ đó làm cho đời tôi có í nghĩa. Về điểm này, Giáo
chủ lại nhắc tới gương một người Việt khác, đó là thánh tử đạo Lê
Bảo Tịnh (+1857). Trong lao tù, giữa cô đơn, đày đoạ, cực hình, và
hàng ngày phải chứng kiến bao cảnh phạm thượng, nhờ sức mạnh hi vọng
từ đức tin, thánh nhân đã chuyển hoá đau khổ thành ra những bài ca
hi vọng bất tận: Lượng từ bi Chúa tồn tại tới muôn đời! «Giữa cơn
phong ba bão táp, tôi thả neo lên tận ngai Chúa; chính Ngài là niềm
hi vọng sống mãi trong lòng tôi », thánh Tịnh đã kết thúc chứng
từ của mình với niềm tác tín đó.
Trong kho tàng Hi vọng của Giáo hội, thiếu gì và có biết bao tấm
gương còn lớn hơn. Nhưng giáo chủ Biển-đức đã đưa ra những tấm gương
từ hai miền đất thế giới hiện đang phải trải qua hoàn cảnh nghiệt
ngã. Sudan, từ nhiều năm nay, là vùng đất của bạo lực và máu, của
những tiếng gào thất thanh của hàng triệu người dân tị nạn vô tội.
Hồ sơ Nguyễn Văn Lý và con đường thánh giá của cố hồng i Thuận cũng
như của Giáo hội Việt-nam cũng chẳng xa lạ gì đối với giáo chủ Biển-đức.
Ở đây, tôi không có í « chính trị hoá » lá thư mục vụ của ngài.
Nhưng việc ngài nêu tên hai địa danh đó lúc này không phải là không
có nghĩa. Ngài muốn chia sẻ khổ đau đặc biệt với hai dân tộc qua lời
nguyện hi vọng, và hơn thế, đó cũng là lời động viên gởi đến đồng
đạo của ngài. Tôi nghĩ, các cộng đoàn,
tổ chức công giáo người Việt nên viết cho ngài đôi lời cám ơn về
niềm ưu ái đó. Đấy là hành động biết ơn cụ thể. Đừng để lá thư tâm
huyết hữu ích của ngài chìm đi như không có gì cả. Hồng i
Karl Lehmann, chủ tịch Hội đồng giám mục Đức, hôm họp báo giới thiệu
Tông thư, đã thay mặt Giáo hội Đức cám ơn giáo chủ Biển-đức đã cho
họ một bài văn hay, một tài liệu bổ ích cho việc sống mùa Vọng.
Trở lại với Hi vọng và đau khổ. Cầu nguyện và Hi vọng là sự cọ xát
tẩy sạch con người tôi, để tôi có thể mở lòng ra cho Chúa và tha
nhân. Hi vọng chở tôi băng qua mọi thác ghềng cuộc đời, vì tôi biết
rằng đàng kia có người đang yêu tôi, đang sẵn sàng đồng hành với tôi
trên con đường lữ thứ và đang đón chờ tôi nơi điểm hẹn. Và như thế,
Hi vọng đẩy tôi dấn thân hành động, góp phần đổi mới thế giới, góp
tay vào việc làm giảm bớt khổ đau cho thế giới, nhất là cho những
người vô tội.
Cuối cùng, toà phán xét cũng là cơ hội để ta Hi vọng. Thiên Chúa
không chỉ là Tình yêu, mà Ngài còn là Công lí. Và toà phán xét là
nơi công lí của Ngài sẽ thể hiện. Vì rằng, nếu chỉ là Tình yêu hay
Hồng ân mà thôi, thì tôi lo gì với điều đánh cuộc của Pascal
[2],
và như thế Chúa sẽ mắc ta món nợ công lí. Tôi cứ mặc sức ăn chơi, tự
do làm điều xấu, vì cuối cùng rồi thì lượng hồng ân bao la của Chúa
cũng sẽ thứ tha, xoá sạch tội của tôi. Nhưng Thiên Chúa không chỉ là
Hồng ân. Và hồng ân của Ngài không biến sự ác thành công lí. Kẻ bất
lương không thể cuối cùng ngồi chung bàn tiệc với nạn nhân của nó.
Nhưng nơi toà án của Chúa có cả hồng ân lẫn công lí, và hồng ân đó
luôn đủ lớn để ta bất cứ giờ phút lịch sử nào của đời mình cũng có
thể trở về cậy trông và hi vọng vào nó.
Tôi không có kết luận cho bài này, vì không đủ khả năng để nhận định
hay phê bình. Mà chỉ muốn mở ra đôi điều về cuộc hành trình tư tưởng
của giáo chủ Biển-đức XVI. Chúng ta đang ở trong một thời đại khủng
hoảng Hi vọng (Đức tin). Cuộc khủng hoảng này bắt nguồn từ Thời mới
ở Âu châu, với sự Tiến bộ của khoa học và với việc đề cao tuyệt đối
Lí trí. Và khủng hoảng ki-tô giáo cũng là khủng hoảng của văn hoá
văn minh âu châu. Mục tiêu của giáo chủ Biển-đức là làm sao để thế
giới thoát ra cơn khủng hoảng này. Ngài đưa ra hai phương thuốc :
Thời mới phải đặt lại vấn đề niềm tin mù quáng vào Tiến bộ khoa học
và vào Lí trí của mình. Lịch sử thế giới, được xây trên niềm tin đó,
hơn một trăm năm qua với bao kinh hoàng và vực thẳm đã đủ để Thời
mới phải đặt lại vấn đề. Nếu cứ tiếp tục chấp nhận tình trạng không
người lái, chắc chắn con tàu sẽ đưa nhân loại vào những kinh hoàng
vô lường khác. Đây là một đòi hỏi sống chết của Biển-đức; một mặt
trận mà ngài đã mở ra từ ngày còn là một giáo sư đại học.
Phía Ki-tô giáo cũng phải xét lại mình. Xét mình để tìm lại đâu là
bản chất đích thực của mình. Đâu là lí do làm cạn kiệt sức sống và
hiệu năng vốn có của mình, khiến mình phải rút lui vào thế thủ.
Trong quá trình hai ngàn năm, Ki-tô giáo đã vì hoàn cảnh hoặc vì
lòng người chất chứa lên con tàu khí cầu của mình qúa nhiều thứ,
khiến nó nặng nề không bay bổng lên được. Phải xem lại hành lí, lọc
lựa ra cái gì là bản chất để làm hành trang lên đường. Hãy « Verwesentlichung »
(bản chất hoá, tìm cái cốt tuỷ, một từ mà nhà thần học Ratzinger tâm
đắc) Giáo hội. Với nhận thức này, với « Spe Salvi » về lòng
Cậy tiếp theo « Deus caritas est » về lòng Mến, giáo chủ Biển-đức
đã đưa ra cho chúng ta hai nét bản sắc tuyệt đẹp của Ki-tô giáo,
những thứ mà, nếu xét cho kì cùng, không một tôn giáo nào khác có
thể cung ứng cho ta được.
Nắm được sợi chỉ đỏ trên, ta sẽ hiểu rõ hơn về hành trình tư tưởng
đã, đang và sẽ tới của Giáo chủ.
Augsburg, ngày 10.01.2008
[1] Cuối
thế kỉ 18, hoàng đế Napoléon cho triệu nhà vật lí nổi danh
Laplace vào cung, để trình bày cho ông về hình ảnh thế giới
theo bước tiến của khoa học thời đó.
Laplace say sưa thuyết
giảng cho vị Hoàng đế ham học hỏi. Cuối phần thuyết trình,
Napoléon bất ngờ hỏi: “Thế còn Thiên Chúa?” Laplace đứng
thẳng người, kênh kiệu trả lời: “Thiên Chúa? Tôi chẳng cần
gì tới giả thuyết ấy nữa!”
[2]
Pascal đưa ra một đánh cuộc nổi tiếng về Thiên Chúa và cuộc
sống như sau: Nếu tôi sống đàng hoàng như có Thiên Chúa, mà
cuối cùng không có Ngài hiện diện thật sự, thì tôi có thể
chỉ mất đi một phần nào vui thú cuộc đời thôi, nếu tôi đã
không sống một cách ích kỉ. Còn nếu tôi sống phóng túng như
không có Chúa, mà cuối cùng lại có Ngài thật sự, thì tôi sẽ
phải lãnh án phạt đời đời.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét