Ngôn-ngữ việt và tính khách-quan khoa-học

Ngôn-ngữ việt

và tính khách-quan khoa-học

 
Phạm Hồng-Lam 
 
Sau đây là mấy suy-nghĩ sau khi đọc một số bài tường-thuật trên các diễn-đàn người việt và đặc-biệt sau khi dịch một số tài-liệu liên-quan tới lịch-sử giáo-hội. Người việt chúng ta chủ-trương "chính-danh" trong việc xử-thế. Nhưng khi áp-dụng quan-niệm này vào văn-chương thì lại mất tính khoa-học. Vì khách-quan khoa-học không đi đôi với tình-cảm chủ-quan.
 
1.           Người việt tình-cảm
Tây phương thiên về lí-trí. Đông phương thiên về tình-cảm. Sách vẫn nói thế. Nhận-định này có thể minh-hoạ qua mấy chuyện sau: 
Chuyện 1: Năm 1981 có vận-hội túc-cầu thế-giới. Chúng tôi, một nhóm tị-nạn việt vừa mới tới Đức năm trước, đang sống chung với một số anh chị em tị-nạn đông âu (hung, tiệp, ba-lan...) trong một nhà trọ để đi học tiếng đức.  Chiều về, sau giờ học, tất cả xúm nhau quanh chiếc truyền hình theo-dõi các trận đấu. Trận nào có Đức đá không-khí trở nên sôi-nổi. Các ông bà việt hớn-hở, la-hét om-sòm khi Đức làm bàn, buồn thiu khi "đội nhà" lủng lưới, trong lúc các bạn đông âu ngồi xem với thái-độ bàng-quang, ai hay thì vỗ, dở thì chê. Thấy đám việt ủng-hộ Đức một cách mặc-nhiên như thế, các bạn đông âu ngỡ-ngàng thắc-mắc: Không hiểu tại sao nước Đức và Việt Nam  có sự gắn-bó như thế! Tại sao người việt lại ủng-hộ Đức một cách tận-tình như vậy ! Hẳn quí độc-giả thuộc thế-hệ thứ nhất có thể chứng-nghiệm hiện-tượng này nơi mình ở.
Điều đó làm tôi nghĩ tới sự khác nhau trong suy-nghĩ và phản-ứng giữa mình và người âu. Mình sống theo tình-cảm. Ở Đức thì coi nước này là nhà mình, đương nhiên phải ủng-hộ "gà nhà". Trái lại, người tây phương không để tình-cảm chi-phối một cách dễ-dàng như thế. Họ tị-nạn ở Đức, vẫn coi nước này là chỗ dung thân đáng trân-trọng, nhưng không "phải" yêu nó một cách dễ-dãi như người mình.
Chuyện 2. Đọc báo chí tiếng việt, tôi thấy rất nhiều khi trong các bản tin về sinh-hoạt cộng-đồng, cái chính là những sự-kiện (cái gì, ai làm, ở đâu, lúc nào, tại sao, diễn-tiến ra sao, kết-thúc thế nào) thì ít được quan-tâm, trong khi nội-dung lại bàng-bạc toàn là những tình-cảm ước-mong, những nhận-định riêng-tư của người viết. Và câu kết rất thường là: "Mọi người ra đi trong bình-an, lòng tràn đầy ơn Chúa!" hay "Đồng-bào ra về trong hân-hoan, vững tin vào ngày quang-phục quê-hương!"...  Nhiều người  chúng ta có lẽ rung-động với những câu kết (gợi tình nhưng mơ-hồ) đó. Nhưng đối với một kí-giả chuyên-nghiệp những ý-kiến tình-cảm chủ-quan loại đó không có giá- trị. Một phóng-sự thì cần dữ-kiện, khác hẳn với một đoản văn hay diễn-văn vận-động bầu-cử có thể dùng chủ-quan để khơi dậy cảm-xúc.
Hai chuyện trên đủ cho ta hay ảnh-hưởng tiềm-tàng mạnh-mẽ của tình-cảm trên nếp sống lối nghĩ của người mình như thế nào !
 
2.           Khi tình-cảm biến thành ngôn-ngữ
 
Bản-chất tình-cảm trên hiện rõ nhất qua hệ-thống xưng-hô.
Khi nghe hai người âu mĩ nói chuyện với nhau, ta không biết được liên-hệ thân-tộc (tương-quan) hay vị-trí cao thấp (vị-thế) giữa hai người. Trái lại, qua vài lời đối-đáp giữa hai người việt, ta biết được ngay vị-thế hoặc tương-quan (tình-cảm) giữa họ.
Một phần là nhờ ngôn-ngữ xưng-hô của ta phong-phú. Trong khi âu mĩ chỉ xào đi nấu lại với Ich (I; Je) và Du (You, Sie, Tu, Vous), thì ta cũng từ hai từ đó mà có "Thưa cụ giám-mục; Kính ngài thủ-tướng; Con thưa bố ...; Anh bảo cho chú mày biết...; Cháu mời bà cố dùng cơm...
Nhưng phần khác, quan-trọng hơn, là vì lối suy-tư  tình-cảm nặng tính tôn-ti của ta. Một lối suy-tư phản-ánh tính cộng-đồng thân-tộc và một cấu-trúc xã-hội phân cấp chặt-chẽ.
Người á-đông sinh ra trong một hệ-thống thân-tộc phức-tạp. Họ uyển-chuyển (hoặc mắc kẹt) trong màng lưới tương-quan đó.  Khi một người mở miệng phát-biểu, anh ta / chị ta phải tự đặt mình vào vị-trí và tương-quan xứng-hợp với người đối-diện hoặc người chung quanh. Đây là kết-quả của một quá-trình xã-hội-hoá sống-động và gay-go để một người muốn trở thành là người việt. (Cứ để ý cách xưng-hô của trẻ tại hải-ngoại thì rõ. Lúc còn nhỏ, chúng thường xưng mình là "em" với mọi người. Lớn lên, "em" chuyển" sang "mình". Mãi sau, khi dần hiểu thêm các tương-quan mới và thẩm-thấu vào được hệ-thống tương-quan thân-tộc phức-tạp thì trẻ mới biết sử-dụng các từ anh, chị, em, con, cháu...). Nếu vì lí-do nào đó anh muốn tỏ ra lơ-lửng trong vị-thế hoặc chị muốn tỏ ra dửng-dưng về tình-cảm thì ngôn-từ sử-dụng - đặc-biệt các đại từ xưng-hô - trước sau gì cũng sẽ tố-cáo điều họ muốn dấu.
Vì thế Á-đông có quan-niệm Chính-danh. Chính-danh là phải biết mình ở vị-trí nào trong toàn-thể, đồng thời cũng phải biết vị-trí của đối-tượng mình đang nói tới hoặc nói với để xưng-hô hoặc phát-biểu cho chỉnh. Chính-danh không những trong khi nói, mà cả khi viết.
 

3.           Như vậy thì không thể có khách-quan khoa-học !

Chính-danh cần-thiết cho việc xử-thế, nhưng lại là cản-trở cho tính khách-quan khoa-học.
Tôi thường để ý và khó chịu khi đọc thấy trong các bài tường-thuật hay các bản dịch từ ngoại-ngữ những từ (xưng-hô) phản-ánh cái chủ-quan và tiên-kiến của người viết. Tại sao trong thông-điệp ngày hoà-bình của Gioan Phaolô II gởi cho toàn thế-giới mà lại có thể sử-dụng từ "Ta" kênh-kiệu để dịch chữ  Ich (I, Je) của Giáo-chủ ? Tại sao Gioan Phaolô II (trong bài đáp-từ nhân cuộc thăm-viếng vừa qua) lại cả gan dùng chữ "các con" để gọi các hồng-i, giám-mục việt-nam ? Rõ-ràng chính cái tâm-thức phong-kiến của người dịch đã gắn vào miệng Giáo-chủ thứ ngôn-ngữ lạc-hậu đó, chứ một hiền-nhân sla-vơ Gioan Phaolô II làm gì có thứ ngôn-từ cha-chú đó ! Từ xưng-hô việt-nam quá phong-phú. Một chữ er / sie (tiếng đức) ta có một lô từ tương-ứng: nó, ông, hắn, y, ngài, cụ, đức (ông), cậu (bé), chú (bé), thầy, anh ấy, lão ấy, bà, cô, chị, con (ấy), (thằng) cha ấy, (con) mẹ ấy... nghĩa là tuỳ tình-cảm của người dịch đối với nhân-vật được đề-cập mà ghép vào cho... hợp (lòng mình) !  Các từ er,  sie, il, elle, he, she của đức, pháp, anh-ngữ không chuyên-chở một thứ tình-cảm hay phân cấp nào cả. Chúng trung-tính (neutre) khách-quan. Thành ra khi lấy tình-cảm chủ-quan của mình để áp-đặt vào một thực-tại  trung-tính thì người dịch đã xuyên-tạc nguyên-bản.
Thêm nữa, đã tình-cảm chủ-quan thì nhận-định thường trở thành bản án. Cái lối tường-thuật chuyện Tổng-giám-mục E. Milingo là một thí-dụ. Khi vị này còn giữ độc-thân thì một "ngài" hai "ngài". Khi ông bỏ luật thì "ngài" tụt xuống "ông" ! (Thực ra "ông / bà" là hai đại-từ tương-đối khách-quan nhất, có thể áp-dụng cho mọi trường-hợp. Nhưng trong ngữ-cảnh của trường-hợp Milingo thì "ông" là dấu chỉ một sự hạ thấp nhân-phẩm).  Không hiểu sau khi ông quay trở lại thì người viết dùng từ gì cho hợp ... với bản án phúc-thẩm của mình đây! Trớ-trêu là nhân-cách của một người ở đây hoàn toàn bị nhào-nặn bởi người viết. Mà chỉ có các cây viết người việt thôi, chứ ngòi bút âu mĩ thì không có chuyện "ngài" "ông" "y" "hắn"... này ! Mà nếu bảo là "tội" thì việc bỏ luật độc-thân của Tgm. Milingo nhằm nhò gì so với việc tách-lìa giáo-hội của Tgm. Lefèvre và của Gm. Ngô Đình Thục. Vậy mà trong hai trường-hợp sau lúc sinh-thời chẳng thấy ai bỏ "ngài" mà gọi "ông". Vì các vị ấy được nhiều người theo chăng ? Vì Giám-mục là người "mình" nên chín bỏ làm mười ? Hay vì Milingo chỉ là một ông da đen cô-thế ? Tôi nghĩ, nếu có, thì đấy chỉ là những lí-do rất phụ. Lí-do chính nằm trong cái quan-niệm sai về tội của người mình, khi coi trọng những lỗi cá-nhân (bỏ độc-thân, không vâng lời, lỗi chay-tịnh...) hơn lỗi liên-quan tới tha-nhân (thiếu bác-ái, bất-công, bóc-lột...). Phải chăng tây phương nhờ vượt qua được lối nhìn tội chiều dọc (cá-nhân) và coi trọng tội chiều ngang (liên-đới) nên mới có thể tiến lên được dân-chủ, văn-minh ?
4.           Thế phải làm gì để giữ được khách-quan ?
Lối suy-nghĩ cảm-tính và thứ ngôn-ngữ tình-cảm của ta quả nguy-hiểm. Chúng như một ông quan-toà ngồi sẵn trong đầu mỗi người việt. Chúng là căn-nguyên của sự thù dai, của những hiểu-lầm, những hằn-học, chửi-bới ra-rả hàng ngày trên các diễn-đàn truyền-thông người mình. Vì khi một tình-cảm đã được bạch-hoá bằng ngôn-ngữ  kết án rồi thì khó mà quay về lại được tình-trạng khách-quan ban đầu. Một lời nói ra một trăm ngựa đuổi không kịp, là thế.
Tuy nhiên, chúng ta có thể chữa được yếu điểm trên. Ý-thức được sự hiện-diện của quan-toà tình-cảm nơi mình là chúng ta đã hầu như giải-quyết xong vấn-đề.
Viết ra những điều này tôi muốn thưa chuyện với những người cầm bút là nên cẩn-trọng hơn, đặc-biệt trong ngôn-từ xưng-hô. Viết giải-trí hoặc để hô-hào bà-con làm gì thì sao cũng được. Nhưng khi làm khoa-học thì không nên để Chính-danh chi-phối ngòi bút. Tại sao hễ đụng tới Phan Bội Châu là một "cụ" hai "cụ" ? Chả cần cụ thì Phan Bội Châu với tuổi đời, tấm lòng và sự-nghiệp của ông cũng đã đáng trọng rồi. Nếu chỉ căn-cứ tuổi-tác thì "cụ" Châu 73 tuổi còn được, chứ "cụ" Phan Chu Trinh mới ngoài 50 thì nghe không ổn. Nhà cầm quyền cộng-sản gọi các giám-mục việt-nam bằng "cụ". Ai cũng hiểu là chẳng phải vì họ kính-trọng gì, nhưng là vì từ đó diễn-tả được thái-độ kẻ-cả của họ mà thôi. Bớt đi ít chữ "đức" thì nhiều giám-mục, tổng-giám-mục, hồng-i chẳng vì thế mà giảm giá. Chữ "ngài" cũng là điều nên nghĩ. Tiết-kiệm dùng nó thì cũng chẳng vì thế mà trở nên bất-kính. "Ngài" bắt nguồn từ phong-kiến, chỉ sự kính-trọng trong xa-cách. Nó nguyên chỉ thông-dụng trong giáo-hội công-giáo. Nay được cộng-sản việt-nam sử-dụng đại-trà với tinh-thần rất ư là phong-kiến và ba-phải. Thanh-niên xã-hội chủ-nghĩa ở ngoại quốc gọi tất cả những người của cơ-quan công-quyền địa-phương hoặc với bất cứ người ngoại-quốc nào có quyền đều là "ngài" ráo. Và cũng nên phân-biệt ngôn-ngữ nói (tình) với ngôn-ngữ viết (sự-kiện). Chẳng hạn từ "cha" là để nói, viết thì "linh-mục" khách-quan hơn...
Tâm-thức của đa số độc-giả người việt chưa quen với thứ ngôn-ngữ khách-quan. Điều này đòi-hỏi sự can-đảm và lòng thành-thật của người viết. Thay-đổi một thói-quen văn-hoá đã thành nếp là điều khó-khăn vô-vàn. Và đó cũng là sứ-mạng cao-cả của người cầm bút.
 

Gia-đình ta, gia-đình tây Và vấn-đề hội-nhập

Gia-đình ta,
 gia-đình tây

Và vấn-đề
hội-nhập
Phạm Hồng-Lam
Đức

 
Ta là người việt hải-ngoại. Tây ở đây là các quốc-gia trung và bắc Âu châu, mà nước
Đức là đại-biểu.
Bài này chỉ là một số gợi ý cho cuộc thảo-luận trong dịp đại-học-hè 2001, nhằm giúp
các bạn trẻ
-        Ý-thức thêm về định-chế [1] gia-đình
-        Nhận ra một số khác-biệt của gia-đình việt và đức và
-        đặt vấn-đề về bản-sắc văn-hoá (kulturelle Identitaet) mình: Nếu như hội-nhập, về phía người việt, là cố-gắng vừa hoà mình vào xã-hội địa-phương vừa nỗ-lực bảo-tồn những bản-sắc văn-hoá riêng của mình, thì đâu là những sắc-thái riêng cần giữ đó ? và giữ bằng cách nào ?
 
Vì bài viết có một số từ cơ-bản thuộc lãnh-vực xã-hội-học, quan-trọng nhưng lạ với nhiều bạn trẻ, nên tôi ghi thêm tiếng đức tương-đương vào sau các từ đó để một số bạn dễ hiểu và dễ so-sánh hơn.
Chức-năng gia-đình
Gia-đình, trên phương-diện xã-hội-học, được hiểu như là một nhóm xã-hội căn-bản [2] thường thấy (phổ-biến) nhất, được hình-thành qua nghi-lễ (hỏi, cưới...) nhằm thực hiện một số chức-năng (Funktionen) xã-hội nhất-định. Những chức-năng này là
*         Truyền-sinh:       gia-đình là định-chế duy-nhất trong đó liên-hệ tình-dục được xã-hội chấp-  nhận để lưu truyền sự sống nhân-loại, sự tiếp-nối dòng tộc...
·          Xã-hội-hoá [3]:  gia-đình là môi-trường chính-yếu trong việc học tập các vai-trò (Rollen: như  làm cha, mẹ, ông, bà, anh chị em, chú, bác v.v.) và giáo-dục con cái.
·          Lao-động và kinh-tế: phân công làm việc để nuôi sống các thành-phần trong gia-đình, đặc-biệt trẻ nhỏ.
·          Điều-hoà tình-cảm: gia-đình là chỗ xì hơi, nơi giải-toả những tình-cảm ứ-đọng hoặc bị ức-chế (vui, buồn, bực-tức, thất-vọng, căng-thẳng tinh-thần...) của các thành-viên.
·          Giải-trí: bằng qua các sinh-hoạt, nhịp sống trong gia-đình.
·         Tôn-giáo: Trong các xã-hội xưa, đặc-biệt các xã-hội có đạo thờ kính tổ-tiên, gia-đình là nơi thờ-tự, thành-viên trong gia-đình là người chủ tế. Ngoài ra, gia-đình còn là nơi truyền lưu niềm tin tôn-giáo.
Chuyển-dịch chức-năng từ xã-hội truyền-thống sang xã-hội tân-tiến [4]
Trên đây là những chức-năng cổ-điển (klassische Funktionen) của định-chế gia-đình, có tầm quan-trọng quyết-định trong các xã-hội cổ-xưa và nông-nghiệp (cũng gọi là các xã-hội tiền kĩ-nghệ, nghĩa là chưa phát-triển về kĩ-nghệ).
Xã-hội việt-nam hiện nay nhìn chung thuộc vào loại tiền kĩ-nghệ. Đó là một xã-hội nông-nghiệp (ở nông-thôn) đang trên đường bước vào công-nghiệp (ở các trung-tâm đô-thị). Đặc-điểm của các xã-hội tiền kĩ-nghệ là:
·  Nền kinh-tế chủ-yếu nông-nghiệp, trên căn-bản tự cung tự cấp. Kinh-tế nông-nghiệp cần nhiều lao-động và đòi-hỏi mức đoàn-kết cao, vì nếu không có sự hiệp lực nhiều người thì sẽ không hoàn-thành được những công-việc mang tính thời-vụ nặng-nhọc. Nền kinh-tế này chưa có đa-hoá nghành nghề (Berufspluralisierung), nên nhu-cầu di-động (Mobilitaet) nhân-công chưa cao, do đó hệ-thống giao-thông cũng chưa có nhu-cầu phát-triển. Hệ-quả: số sinh cao (nhiều con, vì cần nhiều lao-động), hình-thái đại gia-đình (ông bà, cha mẹ, con cái sống quây-quần với nhau) phổ-biến và vì thế mức-độ gắn-bó tình-cảm cao.
·  Hệ-thống truyền-thông và nền giáo-dục chưa trải rộng nên gia-đình còn giữ ảnh-hướng lớn trong việc xã-hội-hoá và sinh-hoạt giải-trí. Khi truyền-thông còn hạn-chế và trình-độ giáo-dục cá-nhân chưa cao thì ảnh-hưởng của truyền-thống (Tradition), đặc-biệt là ảnh-hưởng tôn-giáo, còn giữ vai-trò quan-trọng trong đời sống cá-nhân và gia-đình. Truyền-thống đạo kính tổ-tiên và đạo hiếu (được hệ-thống-hoá trong Khổng-giáo) ở Việt-Nam là một yếu-tố quyết-định trên hình-thái và sự gắn-bó (đại) gia-đình và liên-hệ thân-tộc (Verwandtschaft).
·  Địa-vị (Status) của người đàn bà thấp. Vai-trò của họ hạn-chế trong vòng gia-đình với bếp-núc, sanh con, nuôi con (và cả gia-đình) và phục-vụ chồng con.
         Đó là ba đặc-điểm chính. Chúng, bằng nhiều cách, đã khiến cho định-chế gia-đìnhtruyền-thống giữ vai-trò quan-trọng trong việc chu-toàn 6 chức-năng cổ-điển trên đây.
Khi xã-hội bước sang giai-đoạn kĩ-nghệ-hoá (Industrialisierung : nền công-nghiệp máy-móc phát-triển cao) và giai-đoạn hậu kĩ-nghệ hay cũng được gọi là hậu tân-tiến (Postmoderne), trong đó công-nghiệp dần nhường chỗ cho thương-mại, dịch-vụ và tin-học - như trong các xã-hội tây âu hiện nay -, định-chế gia-đình cũng biến-chuyển theo. Gia-đình trong các xã-hội hậu tân-tiến phải cạnh-tranh với nhiều định-chế xã-hội khác, nên đã không còn giữ vai-trò quan-trọng hay độc-quyền về các chức-năng cổ-điển trên. Đã có một sự chuyển-dịch chức-năng sang các định-chế xã-hội khác.
·  Nhà trẻ, trường học, trường nghề, xí-nghiệp, sở làm, nhà dưỡng lão, các phương-tiện truyền thông... đã lấy đi một phần quan-trọng vai-trò xã-hội-hoá của gia-đình.
·  Các phương-tiện giải-trí như chớp bóng, quán nhảy, quán rượu, quán nhạc, truyền thanh, truyền hình, vi-tính, xe hơi, thể-thao, du-lịch, văn-nghệ ... xâm chiếm gần hết thì-giờ sinh-hoạt và giải-trí trong gia-đình.
·  Trước kia, khi gặp bực-bội từ ngoài, gia-đình gần như là nơi duy-nhất để ông bố / bà bô giải-toả nỗi lòng. Hoặc bằng tâm-sự chia sẻ hoặc xì hơi bực-bội lên đầu con-cái hay đầu "thằng cha" "con mẹ". Nay, nếu bực mình, ông có thể ra quán, bà có thể đình-công nấu-nướng vì đã có tủ-lạnh, hàng quán, con cái chui vào phòng (có thể suốt ngày không cần ăn) với tivi, máy tính. Bữa ăn chung (hiếm dần) không còn là cơ-hội chuyện-trò thân-mật nữa, vì cuộc đá banh trực-tiếp truyền-hình đang đợi bố, trò chơi dở-dang trong máy tính đang hối-thúc con... Nghĩa là vai-trò điều-hoà tình-cảm của gia-đình đang sút giảm trầm-trọng.
·  Vai-trò lao-động kinh-tế của gia-đình cũng bị xói mòn. Trước đây phải tự nai lưng ra mà may-vá, trồng-tỉa, chăn-nuôi để lấy cái ăn cái mặc. Nay cần gì có thể ra chợ, vào siêu-thị. Kinh-tế hàng-hoá đã thay-thế việc tự cung tự cấp. Việc làm ở xí-nghiệp, các qui-chế trợ-cấp thất nghiệp, trợ-cấp xã-hội đã và đang giải-phóng dần sự lệ-thuộc kinh-tế giữa các thành-viên trong gia-đình.
·  Trình-độ dân trí cao, vật-chất phồn-vinh, rủi-ro đời sống được y-tế và bảo-hiểm bảo-đảm, phương-tiện giải-trí mở rộng, khoa-học tiến-bộ... Những yếu-tố này, được hỗ-trợ bởi một nền truyền-thông vạn năng, đang đẩy niềm tin tôn-giáo vào hậu-trường đời sống. Trong nhà người đức, thảng hoặc nếu còn treo đây đó một cây thánh-giá thì cũng vì thói quen nhiều hơn là một biểu-tượng sống niềm tin. Bên nhà, gia-đình là nơi lưu-truyền và nuôi dưỡng lòng tin. Bên đây, việc tín-ngưỡng được khoán trắng cho các cơ-sở tôn-giáo.
·  Những phát-triển y-khoa, kinh-tế và xã-hội, những thay-đổi về giá-trị (Werte: phong-tục, tập-quán, đạo-đức, luân-lí) đã tác-động mạnh trên chức-năng truyền-sinh của gia-đình. Bên đây chẳng có chuyện "trời sinh voi sinh cỏ", đẻ con để "nối dõi tông đường", hoặc để "bảo-đảm tuổi già" nữa. Rủi-ro kinh-tế gia-đình đã có trợ-cấp xã-hội, tuổi già đã có bảo-hiểm, nên chẳng cần (nhiều) con. Liên-hệ tình-dục hoặc việc sinh con chẳng còn là độc quyền của hôn-nhân nữa. Dù nhiều người vẫn còn công-nhận giá-trị trỗi vượt của hình-thái gia-đình truyền-thống, nhưng định-chế này càng ngày càng bị cạnh-tranh bởi nhiều lối sống khác, như sống độc-thân, ở chung không cưới, độc-thân có con, vợ chồng không con, li-dị, hình-thái sống chung của các đôi đồng tính (homosexuell) đang được pháp-luậthợp-thức-hoá...  
Một vài con số : Năm 1950 trên hai miền nước Đức cứ 1000 dân có 11 đôi hôn-nhân; đến năm 1993 còn khoảng 5 đôi. Hôn-nhân ít khiến tỷ-số li-dị đã cao lại càng cao. Hiện cứ ba đám cưới thì có một đám li-dị. Năm 1990 Tây-Đức có khoảng 34% tổng số hộ độc-thân (chủ-yếu trong cỡ tuổi 25 – 55), 30% hộ gia-đình không con, gần 20% hộ gia-đình 1 con và số còn lại hộ từ  2 con trở lên. Trong số các hộ có con, hộ độc-thân có con chiếm khoảng 20% trên tổng-số. Chiều hướng chung sau ngày thống-nhất: li-dị, độc-thân và số hộ không con càng ngày càng tăng. Những chính-sách nhỏ giọt khuyến-khích sinh con của nhà-nước tới nay vẫn không kết-quả. Luật-pháp đang có khuynh-hướng định-nghĩa lại gia-đình: đâu có con đó là gia-đình ! Theo đà giảm dân hiện nay, đến năm 2020 dân số nước này từ 82 triệu (năm 2000) sẽ xuống còn độ 70 triệu. Muốn giữ vững nhân-số lao-động, từ nay đến đó mỗi năm cần tăng-viện từ ngoài vào 400 ngàn người (trong lúc số người thất-nghiệp hiện nay vẫn trên dưới 4 triệu!). Những thực-tế đó đã buộc nước Đức hôm nay phải mở cửa nhập dân. Đạo-luật nhập-cư có thể thông qua trong năm tới (dĩ nhiên người ta chịu mở cửa cũng là để thu-hút chất xám của các nước nghèo). Xưa nay chính-sách của nước Đức là bế quan toả cảng đối với người ngoài, xem họ chỉ là "thợ khách", nên đã không nghĩ tới vấn-đề hội-nhập. Chưa bao giờ nước này quan-tâm tới vấn-đề gia-đình và chuyện hội-nhập dân ngụ-cư một cách ồn-ào như hiện nay.
 
Đâu là nguyên-nhân của những hiện-tượng trên ?
Dĩ nhiên là có nhiều nguyên-nhân. Chúng bổ-túc và chồng chéo lên nhau. Trong đó phải kể tới sự phồn-thịnh kinh-tế và đô-thị-hoá (hai đặc-điểm của kĩ-nghệ-hoá). Song nhìn chung, có một điểm nổi bật nhất trong xã-hội âu châu hiện tại là sự bành-trướng giáo-dục. Năm 1960 Tây-Đức có khoảng 300 ngàn sinh-viên. 30 năm sau, tổng-số tăng lên 1,5 triệu. Đây chính là đòn bẩy của nhiều đổi-thay, đặc-biệt các đổi-thay liên-quan tới định-chế gia-đình.
Bành-trướng giáo-dục nâng cao dân-trí, mở ra cơ-hội nghề-nghiệp cho nhiều người. Có học, có nghề có nghĩa là có khả-năng tự-lập, thoát lệ-thuộc tài-chánh. Việc học và việc làm đẩy lùi thời-gian lập gia-đình. Trung-bình thanh-niên đức lập gia-đình vào tuổi ngoài 25. Theo-đuổi nghề-nghiệp đưa đến việc muộn-màng hoặc biếng-nhác sinh con. Đó là chưa nói lối sống cá-nhân, hưởng-thụ trong nhiều trường-hợp đã khiến người ta thấy không cần-thiết lập gia-đình hoặc không muốn có con. Mở rộng giáo-dục cũng là một yếu-tố hỗ-trợ và đẩy nhanh sự thay-đổi giá-trị. Thế-hệ thanh-niên sinh-viên 68 ở Âu châu đã đứng lên phá tung "xiềng-xích" cũ để tranh-đấu cho một nếp sống "mới" phản uy-quyền, phản gò-bó, cổ-xuý tự-do luyến-ái, tự-do cá-nhân, chối-bỏ lối giáo-dục của gia-đình truyền-thống. Nhân danh lí-tưởng "phát-triển / thăng-hoa cá-nhân" (Selbstverwirklichung) họ tháo gỡ các khung đạo-đức luân-lí truyền-thống .
Hệ-quả có lẽ quan-trọng nhất của việc bành-trướng giáo-dục là địa-vị người nữ được nâng cao, qua việc mở ra cho họ cơ-hội nghề-nghiệp dẫn tới độc-lập tài-chánh. Trước đây, người đàn bà đức chỉ quanh-quẩn với (ba chữ K) con-cái (Kinder), bấp-núc (Kueche) và nhà thờ (Kirche). Người ta vẫn cho rằng hai phát-minh trong thế-kỉ XX đã đổi đời người đàn bà tây phương là thuốc ngừa thai và máy giặt. [Có lẽ cũng không kém quan-trọng như sự-kiện phụ-nữ mông-cổ biết mặc quần - để cưỡi ngựa ra trận-]. Nhưng các thứ đó mới chỉ giải-phóng người nữ ra khỏi những gánh nặng hàng ngày. Chính giáo-dục mới là yếu-tố đã giúp họ bước ra xã-hội, tạo chủ-động cho cuộc sống mình. Từ 70 ngàn (23%) nữ sinh-viên năm 1960 ở Tây-Đức tăng lên 600 ngàn (38%) năm 1990 và hiện nay số nữ sinh-viên cả nước xấp-xỉ ngang bằng số nam sinh-viên. Ngoài ra, giáo-dục (và khả-năng di-động) đã xoá nhoà làn ranh giai-tầng nơi người nữ : chuyện "môn đăng hộ đối" đã thuộc về quá-khứ. Hôn-nhân ngày nay không còn là một kết-ước cấp-thiết (Notgemeinschaft), nhưng là một kết-hợp tự-do giữa hai cá-nhân xa lạ (ở Đức, cứ 8 cặp thì có 1 cặp hôn-nhân dị chủng [bikulturel])ï, và vì thế nó phải đối-diện với nhiều bất-trắc hơn. Càng bất-trắc, khuynh-hướng ngại hôn-nhân lại càng tăng.

Vấn-đề hội-nhập

Hội-nhập (Integration) không phải là đồng-hoá (Assimilation). Đồng-hoá là sự tan biến của một thiểu-số vào trong một đa-số. Hội-nhập cũng không hẳn là thích-ứng (Anpassung), vì thích-ứng là sự điều-tiết một chiều của một yếu-tố vào một toàn-thể. Hội-nhập là một tiến-trình thâu hoá hai chiều và có ý-thức, trong đó đa-số chấp-nhận thiểu-số với cái cá-biệt của họ và ngược lại, thiểu-số chấp-nhận qui-luật của đa-số nhưng đồng thời vẫn không để mình bị biến mất trong cái đa-số ấy. Một hội-nhập văn-hoá thành-công khi văn-hoá thiểu-số sẵn-sàng hoà mình vào văn-hoá đa-số, chấp-nhận thâu hoá những cái đáng theo của người, đồng thời vẫn giữ được cái độc-đáo của mình.
Ở đây ta không bàn tới khía-cạnh thái-độ phải có của xã-hội nhận cư (Aufnahmegesellschaft) trong tiến-trình hội-nhập. Mà chỉ giới-hạn vấn-đề vào nỗ-lực bảo-toàn bản-sắc của phía người nhập cư mà thôi.
Vậy, đâu là những cái độc-đáo của mình cần giữ ?
Ở trên ta đã lược qua những yếu-tố khác nhau liên-quan tới hôn-nhân và gia-đình của xã-hội truyền-thống việt và xã-hội tân-tiến âu châu. Một số hiện-tượng trong xã-hội âu châu đã thấy xuất-hiện kha-khá nơi người việt rồi. Như coi thường việc hôn-nhân và gia-đình (đặc-biệt nơi lớp người trẻ mới sang tị-nạn), tự-do luyến-ái, dễ-dàng li-dị, sống chung không cưới, chức-năng gia-đình và uy-quyền cha mẹ (nhất là của người cha) bị sút-giảm, tôn-giáo mất ảnh-hưởng... Các biểu-hiện này đã và đang làm cho các thế-hệ lớn tuổi người mình lo-ngại. Đã một thời, theo quan-sát của tôi, đa phần những gia-đình hễ bước vào nghề làm nhà hàng là đổ-vỡ và chẳng có được mấy đôi hôn-nhân dị chủng bền lâu. Nhưng xét cho cùng, những biểu-hiện đó chỉ là bề mặt hay tử-số của một mẫu-số văn-hoá nằm sâu hơn. Đa phần chúng là hậu-quả gần như đương-nhiên của sinh-trường (Milieu). Sống trong khung-cảnh xã-hội đổi mới ở Âu châu trước sau gì người việt cũng tiêm-nhiễm hoặc để trôi theo những dòng nước. Chẳng hạn việc có (bao nhiêu) con bên đây là một tính-toán cá-nhân, tùy-thuộc vào khả-năng tài-chánh, nhà ở, công ăn việc làm, hoàn-cảnh xã-hội...  chứ không là chuyện trời sinh voi nữa.
Chính mẫu-số văn-hoá- hay còn gọi là động-lực văn-hoá - mới là yếu-tố quyết-định. Mẫu đổi thì tử đổi. Các mẫu-số này được phản-ảnh qua nội-dung xã-hội-hoá. Nói cách khác, trong địa-hạt hôn-nhân và gia-đình, dân âu tây và dân việt quan-niệm như thế nào, và từ đó họ sống cuộc sống gia-đình và giáo-dục con-cái như thế nào?

Mẫu-số văn-hoá: Đạo Hiếu hay Tình đạo việt

Một cách tổng-quát, văn hoá châu âu là văn-hoá kitô-giáo, thiên về khoa-học, duy-lí, đề cao tự-do và cá-nhân. Trong khi đó văn-hoá việt chịu ảnh-hưởng Khổng-giáo, trọng tình, đề cao tính tập-thể (gia-đình, làng-xã) và nặng tôn-ti trật-tự (mà quan-hệ thân-tộc phức-tạp là một thí-dụ). Cả hai văn-hoá đều xem trọng con người. Nhưng chữ "nhân" khổâng-giáo bị chìm đi trong tập-thể, trong tổ-chức. Còn "nhân-bản" tây phương đưa con người cá-nhân vượt trên tập-thể (Karl Marx vì thế đã không được tây phương đón-nhận như ở đông phương).
Từ căn-bản đó, giáo-dục gia-đình và học đường ở Đức, kể từ khi xã-hội họ bước qua giai-đoạn truyền-thống để đi vào kĩ-nghệ và hậu kĩ-nghệ, đang hướng các thế-hệ hiện tại vào con đường trưởng-thành với khả-năng tự tin, tự lập, thuần đời (nghĩa là độc-lập với ảnh-hưởng tôn-giáo). Những giá-trị (cũ) như vâng lời, cần-mẫn, ngăn-nắp, kính trọng cha mẹ, đạo-hạnh ... trở thành thứ yếu. Và chủ-nghĩa cá-nhân (Individualismus) cũng như khuynh-hướng vật-chất (Materialismus) đã lớn lên từ mục-tiêu xã-hội-hoá đó. Các thế-hệ trẻ đức ngày nay thường lấy quyền lợi và thành-công cá-nhân làm điểm khởi phát cho suy-nghĩ và hành-động của mình.
Trong khi đó gia-đình việt, dù ý-thức hay không ý-thức, cũng đang hướng con người vào những giá-trị gắn-bó với cộng-đồng, tập-thể (Gemeinschaft) . Với tập-thể gia-đình và tập-thể thân-tộc (Verwandtschaft) bằng một hệ-thống xưng-hô (cha, mẹ, anh, chị, em, cháu, cô, thím, bác, chú, dì, cậu, mợ, ông nội, bà ngoại, dượng ...) vô cùng phong-phú và có thể uyển-chuyển thay-đổi theo độ tình-cảm. Với cộng-đồng làng-xã hay quốc-gia ta có quan-niệm đồng hương, đồng bào. Khi xưng-hô, cá-nhân cảm thấy mình đang ở trong một tập-thể với vai-trò và địa-vị rõ-ràng. Và quan-trọng hơn, là khi xưng-hô như thế, chúng ta bày tỏ với nhau một tình-tự, nhỏ thì tình-tự bà-con, lớn thì tình-tự đồng bào. Không một dân-tộc nào khác có được gia-tài xưng-hô này. Khi trong gia-đình, cha mẹ, con cái gọi nhau bằng Đu, Ích, Toa, Moa, Ai, Du... thì cảm-thức thân-tộc và tình-cảm gắn-bó sẽ chẳng còn và đó là bắt đầu của vong-thân. Vì thế, tiếng nói là điều-kiện đầu tiên trong việc giữ-gìn bản-sắc. Không thể nói chuyện hội-nhập khi ta không biết được ngôn-ngữ của xã-hội nhận cư. Cũng vậy, muốn giữ bản-sắc văn-hoá mình, ta không thể không biết ngôn-gnữ mình, đặc-biệt tiếng việt của ta là cái nôi chuyên-chở tình-cảm.
Ngoài ra, hôn-nhân theo văn-hoá việt không chỉ là chuyện của đôi trai gái (như  ở âu tây) mà còn là việc nối kết giữa hai dòng họ, hai tập-thể (vì thế kẻ đứng tên trên thiệp cưới là bố mẹ hay người đại-diện gia-đình). Qua hôn-nhân mà vòng thân-tộc (bà-con) cứ  mở dần ra mãi để cuối cùng biến cả dân-tộc việt trở thành một đại gia-đình, trong đó mọi người tuỳ theo tuổi-tác mà gọi nhau bằng ông, bà, cháu, chú, bác, thím, anh, chị, em... Cả một dân-tộc đều là bà-con, nối-kết nhau bằng một thứ keo tình-cảm chín bỏ làm mười,  một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ. Ra đường ta không phải gặp anh-hùng (như người ta vẫn tri-hô), nhưng trước hết là gặp một anh, một chị, một bác, một cô, một em, tắt lại một bà-con hoặc một đồng bào !
Hôn-nhân, như thế, vừa có nhiệm-vụ lưu-truyền dòng tộc, giữ-gìn hương-hoả đồng thời tiếp-tục mở rộng vòng đai thân-tộc qua việc sinh con đẻ cái. Trai hay gái gì cũng có những trách-vụ đó. Ở đây cần hiểu rõ là văn-hoá việt không trọng nam khinh nữ. Việc coi nhẹ nữ giới xưa nay ở ta là dấu-vết thoái-hoá còn lại của ảnh-hưởng văn-hoá trung-hoa. Con trai hay con gái việt đều được chia phần hương-hoả, đều có thể dâng lễ tổ-tiên, họ nội hay ngoại cũng tình thân như nhau. Cứ thế, đời này tiếp đời nọ, các thế-hệ nối-tiếp nhau hoàn-thành vai-trò mình. Yêu nhau vì tình, lấy nhau vì nghĩa. Sinh con, như thế, cũng là một việc nghĩa. Nghĩa đối với tập-thể đi trước (tổ-tiên), với tập-thể đương thời (gia-đình dòng tộc hai bên) và tập-thể đi sau (hậu thế). Ý-thức được những điều này thì hôn-nhân không còn là một chuyện cá-nhân và thuần đời nữa. Nhưng đó là tiếng gọi của tập-thể và thiêng-liêng – người đi đạo công-giáo gọi đó là một bí-tích . Nhận-thức được như  thế thì làm sao ta có thể li-dị tuỳ hứng, phá thai tuỳ tiện được !
Tính cộng-đồng / tập-thể là một mẫu-số lớn của văn-hoá việt. Nhưng sinh-lực của mẫu-số đó, theo tôi,  là chữ Hiếu hay cũng gọi là chữ Tình.
Cách đây mười năm, tôi tham-dự một buổi nói chuyện tìm hiểu về con người việt nam do Diakonie
(Hiệp-hội thiện-nguyện thuộc giáo-hội tin-lành Đức)     tổ-chức cho các tác-viên  xã-hội người  bản  xứ. Thuyết-trình-viên là một chị người việt. Chị chẳng mang theo bài bản, sách vở gì và đã mở đầu với cây bút lông viết lên bảng chữ "Hiếu" to-tướng rồi nói: Tất cả con người và văn-hoá việt có thể tóm gọn trong chữ này; tất cả những thắc-mắc của anh chị tôi nghĩ có thể giải-thích qua chữ này. Rồi từ Hiếu chị dẫn cử-toạ vào niềm tin tôn-giáo, vào các lãnh-vực tổ-chức và quan-hệ    gia đình, tương-giao xã-hội, phong-tục tập-quán trong hôn quan tang tế, liên-hệ thân-tộc, cách xưng-hô, cách cư-xử  và động-lực hành-động... Tôi chỉ gặp chị có lần đó, chẳng còn nhớ cả tên chị,       nhưng  chữ "Hiếu" của chị từ đó như in vào óc. Chị đã khai tâm cho tôi về văn-hoá mình.
Hiếu là đạo sống của người việt. Nó cũng được gọi là Tình đạo việt, là sợi dây nối-kết cộng-đồng các thế-hệ đã qua, hiện-tại và tương-lai. Nó ấn-định mọi tương-quan gia-đình và xã-hội, cắt nghĩa các phong-tục tập-quán, là nguyên-nhân và hậu-quả của tín-ngưỡng gia-tiên...
Trước câu hỏi động-lực nào đã khiến các em chăm-chỉ học, hầu hết các em học-sinh trung-học người việt đạt kết-quả suất-sắc ở Hoa-Kỳ đã có một câu trả lời khác hẳn đồng bạn người mỹ và đã làm ngạc-nhiên các nhà khảo-cứu: Học để cha mẹ được bui lòng.
Hình-ảnh cậu Chang, cầu-thủ quần-vợt người mỹ gốc hoa, cũng là một điển-hình.  Khi     thắng trận chung-kết giải vô-địch quốc-tế Wimbledon, cậu vứt vợt, móc trong túi quần ra miểng giấy nhỏ xúc động đọc lên lời cám-ơn Thượng-đế và cha mẹ đã cho cậu có được giây phút vinh-quang này, trước sự ngỡ-ngàng của hàng trăm triệu khán giả khắp địa-cầu.
Có hình-ảnh nào đẹp hơn, sống-động hơn, dù đấy chỉ là một khía-cạnh của Hiếu. Nó cho thấy còn có một sợi dây tình-cảm quấn chặt các với cha mẹ, cho thấy gia-đình vẫn còn là một lẽ sống quan-trọng đối với các em.
Gia-đình của các em đó đã làm gì để truyền dưỡng tâm-tình đó cho các em ? Đây là một câu hỏi vô cùng hệ-trọng cần chúng ta luận-bàn tìm hiểu.
Lênh-đênh trong cuộc đời tị-nạn, một văn thi-sĩ  nào đó đã than: Chúng ta mất hết chỉ còn nhau. Tôi sợ rằng rồi sẽ mất luôn cả nhau nữa, nếu như ta không giữ được cái mẫu-số căn-bản nhất của mình: đạo Hiếu hay là Tình đạo việt.
 
Đức, ngày 25.05.20

 


[1] Định-chế (Institution) rộng nghĩa hơn chữ Tổ-chức (Organisation). Tổ-chức gợi lên hình-ảnh một cơ-cấu hành-chánh và mục-đích của cơ-cấu đó. Định-chế ngoài ý-nghĩa tổ-chức còn chú-trọng đến các tương-giao (ứng-xử, vai-trò) giữa các thành-viên trong đó.
[2] Nhóm căn-bản (Primaergruppe) là nhóm trong đó các thành-viên ảnh-hưởng lên nhau sâu-đậm và mạnh-mẽ. Chẳng hạn như gia-đình, lớp học, nhóm bạn đồng lứa...
[3] Xã-hội-hoá (Sozialisation) rộng nghĩa hơn chữ  Giáo-dục. Giáo-dục là việc truyền-thụ một kiến-thức hay kĩ-năng từ ngoài vào, ít nhiều mang tính bó-buộc. Xã-hội-hoá bao gồm giáo-dục lẫn việc đón-nhận, học tập một cách vô-thức, tự-nguyện như: con bắt-chước cha mẹ; khi có con, đôi thanh-niên phải tự học tập, tự điều-chỉnh lối ứng-xử mình (ý-thức hoặc vô-thức) để hoàn-thành vai-trò mới làm cha làm mẹ...
[4] Chữ Truyền-thống (traditionell) hay Tân-tiến (moderne) ở đây chỉ là một sự mô-tả, không bao-hàm phê-phán giá-trị (tốt hay xấu). Xã-hội tân-tiến không có nghĩa là tốt hơn hay là một tiến-trình đương-nhiên phải đạt đến.

Đầu Xuân Đọc “Spe Salvi – Hi vọng ki-tô giáo”


Đầu Xuân
Đọc “Spe Salvi – Hi vọng ki-tô giáo”
 
 
Phạm Hồng-Lam

 
Năm trước, khi giới thiệu Thông điệp đầu tiên của mình (Deus Caritas est - Thiên Chúa là Tình yêu), giáo chủ Biển-đức XVI đã mời độc giả bước lên con tàu không gian, mà thi sĩ Dante (1265-1321) người Í đã mô tả trong tập trường thi Divina Comedia của ông, để cùng làm một chuyến du hành vũ trụ. Đi mãi, đi mãi, xuyên hết mọi hành tinh, cuối cùng con người sẽ gặp một “Nguồn Sáng bất tận, vô biên”. Nguồn sáng đó, người Ai-cập xưa có lúc gọi là thần Mặt Trời, người Hi-lạp bảo là Lửa. Mà dù với tên gọi nào đi nữa, thì Nguồn Sáng đó là “nguyên lí nền tảng” làm chuyển động và tạo nên sự sống cho vũ trụ. Và Dante gọi Nguồn Sáng đó là Thiên Chúa. Hơn một ngàn năm trước đó, tác giả Tin Mừng Gio-an lại gọi đó là Tình Yêu: “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1 Yo 4, 16). Ki-tô hữu từ hai ngàn năm nay xác tín rằng, Tình yêu Thiên Chúa chính là khởi nguồn của vũ trụ và sự sống.
Hôm nay, để giới thiệu Tông thư thứ hai “Spe Salvi - Hi vọng ki-tô giáo” của Giáo chủ, tôi cũng muốn mời độc giả làm một cuộc viễn hành khác, bằng chuyến xe lửa kinh dị của nhà văn Friedrich Dürrenmatt. Dürrenmatt kể trong chuyện “Der Tunnel - Đường hầm”: Đoàn tàu đi vào một đường hầm. Hành khách trên tàu cứ tưởng đó cũng là một đường hầm như bao đường hầm khác. Có vào thì có ra. Nhưng chuyến vượt hầm cứ kéo dài mãi. Tốc độ con tàu càng lúc càng tăng. Hành khách bắt đầu đâm lo, rồi hoảng. Cuối cùng, một hành khách lấy được bình tĩnh, men lần tới phía đầu phòng lái. Phòng lái trống không! Và qua màn kính, người đó thấy con tàu cứ lao vun vút vào một vực thẳm tối đen, hun hút, kinh hoàng… Chuyện chấm dứt. Dĩ nhiên, có thể hiểu Dürrenmatt muốn dùng câu chuyện để nói lên hoàn cảnh “không người lái” của thế giới trong thời hiện đại, đặc biệt kể từ khi Friedrich Nietzsche hân hoan loan báo đã giết Thiên Chúa.
Nhưng, ta hãy trở lại chuyện con tàu. Hoạt cảnh sau đây là của người viết bài này. Khi hay biết cơ sự, trên tàu hoảng loạn, diễn ra cảnh thiên đàng lẫn địa ngục. Có vài hành khách trai trẻ, đầu chít vội mảnh khăn xanh, quấn bom vào mình lao vào những nhóm hành khách khác, nổ tung. Họ cho rằng vì tội lỗi của những đám vô đạo kia nên mới ra cơ sự. Phải giết chúng để mình được cứu rỗi. Ở những toa khác, trong cơn nguy khốn chờ chết, người ta mỗi người rút vào một góc, trong số đó có cả những tên cướp đã vứt đao, tịnh tâm mong kịp thời còn cởi bỏ được mọi ham muốn phàm trần, để nhẹ gánh vào kiếp luân hồi. Chẳng mấy ai trong họ tin có thể đạt tới vô thường, nhưng viễn ảnh vào một tình trạng bớt khổ hơn ở kiếp khác cũng làm họ an tâm đôi chút trong giờ phút lâm tử. Trong khi đó, một số tay chuyên nghề trấn lột chạy đôn đáo hết toa này sang toa kia tìm khổ chủ để xin lỗi và trả lại những gì đã bị cướp giựt, vì biết rằng trước sau gì cũng phải trả lẽ công lí trước toà án sau cùng. Một số hành khách mắt xanh mũi cao thì lại hốt hoảng chạy tìm giải thoát nơi các tín ngưỡng của các dân tộc sơ khai, vì họ đổ cho rằng, Thiên Chúa giáo với những giáo huấn về tội, thiên đàng, hoả ngục, ngày phán xét… đã cướp mất cái hồn nhiên ban đầu của con người và khiến họ lo sợ trước cái chết. Và họ cũng đã thấy trong một đôi toa người ta đang hoảng hốt cắt cổ mổ bụng những thiếu niên nam nữ xinh đẹp nhất để làm tế vật xoa dịu cơn thịnh nộ của thần chết. Và, đó đây trong một vài toa, vẳng lên trong không khí ngột ngạt tiếng ca: “Dầu tôi đi qua thung lũng tối đầy hiểm nguy, tôi vẫn không sợ gì, vì có Chúa ở bên tôi… Cây trượng và cây gậy Chúa đỡ tôi, khiến tôi an lòng…” Người ta thấy những nhóm hành khách, không đông, quây quần bên nhau vui vẻ ca hát và cầu chúc nhau ra đi bình an. Như chẳng có chuyện gì đang xẩy ra.
Chẳng nói, độc giả cũng thấy có hai hình ảnh trong hoạt cảnh trên nói lên ít nhiều thái độ và hành động của ki-tô hữu. Thái độ bình thản ca hát, vì tin tưởng và hi vọng vào sự quan phòng của Chúa. Thái độ hồi tâm quy chánh, vì nghĩ tới công lí và hồng ân của ngày phán xét. Tắt lại, vì có Chúa, nên ki-tô hữu sống “không vô vọng như những người khác.” Vì tin và hi vọng vào Chúa, nên ki-tô hữu không hốt hoảng, trái lại bình tâm vui vẻ đón chờ cái chết. Họ biết, họ đã sống một cuộc đời có í nghĩa, nên nắm chắc cuộc sống của họ sẽ không kết thúc trong hư vô. Họ tin rằng, nếu thật tình sống theo lời Chúa, cuối cùng thì họ cũng được đưa vào Nguồn Sáng bất diệt trên kia, và được ở lại vĩnh viễn (sống đời đời) trong Tình Yêu sự sống đó.
Nếu chỉ muốn tóm tắt Tông thư của Giáo chủ, thì chúng ta có thể kết thúc ở đây. Vì tất cả chỉ có thế. Giáo chủ Biển-đức chỉ muốn nói lên điều này: Con người sống giữa đời cần có hi vọng, từ những hi vọng cỏn con thường ngày đến những hi vọng lớn hơn trong nghề nghiệp, tình yêu, gia đình… Hi vọng là những chiếc thuyền chở tôi băng qua đồi núi, thác ghềnh cuộc đời. Hay nói như giáo chủ Biển-đức, hi vọng là cái “ẩn số không biết mà biết” đẩy ta đi tới. Mỗi hi vọng đáp ứng một nhu cầu cá biệt. Nhưng có một hi vọng chung nhất, rốt ráo nhất, hầu như ai cũng đặt ra cho mình, khi đối diện với cuộc sinh tử: Làm sao để đời tôi được viên mãn hạnh phúc? Hay nói theo ngôn ngữ ki-tô giáo, làm sao tôi đạt được “sự sống đời đời”, đạt tới “cứu độ”? Chỉ có Thiên Chúa, kì cùng ra, mới giúp tôi đạt đến được hi vọng đó, chứ chẳng phải là khoa học, hay lí trí hay cái gọi là “xã hội chủ nghĩa khoa học”, mà con người một thời tin theo và đã thất vọng.
 
Lược qua vài điểm nội dung Tông thư
 
Nhưng, như đầu bài gợi í, tôi muốn mời độc giả cùng đọc Thông thư, để cùng tìm hiểu và nhắc nhở nhau về cái kho tàng nền tảng thứ hai (sau Deus caritas est) cuả Ki-tô giáo, mà giáo chủ Biển-đức đã mở ra cho chúng ta trong dịp mùa vọng – mùa của hi vọng – vừa qua.
Trong một buổi chuyện trò, một trí thức xã hội chủ nghĩa đã lớn tuổi hỏi tôi: Thưa anh, Kinh Thánh Thiên Chúa giáo viết gì trong đó, anh có thể tóm tắt cho tôi hiểu được không? Thật tình vị này muốn tìm hiểu đạo. Tôi lúc đó đã không biết phải trả lời như thế nào, phải bắt đầu từ đâu với một cuốn sách cả ngàn trang, bàn hết chuyện trên trời dưới đất, kéo dài cả nhiều ngàn năm. Làm sao có thể tóm gọn được nội dung!
Nhưng sau khi đọc được Spe Salvi, tôi thấy câu trả lời chẳng còn khó khăn. Toàn bộ Kinh Thánh, nói theo giáo chủ Biển-đức, được tóm lại trong chữ Tin. Tâm điểm của vấn đề là Tin. Mà Tin, theo như Kinh Thánh hiểu và Giáo hội sơ khai minh chứng, cũng đồng nghĩa với Hi vọng. “Tin là bản chất (nền tảng/ bảo chứng) của điều ta hi vọng, là bằng chứng của những gì ta không trông thấy” (Rom 11,1). Tiếng Đức có hai từ để dịch chữ la-tinh “Fides” (đức tin): Glauben (tin) và Vertrauen (phó thác, cậy trông). Tin là Hi vọng. Đức tin mở ra cánh cửa Hi vọng. Và Hi vọng dẫn ta tới hành động, làm đổi đời ta. “Để mở rộng kiến thức, cần khoa học tự nhiên, nhưng để hành động, phải cần đức tin”, Max Planck (1858-1947) nhà vật lí cha đẻ thuyết lượng tử (Quantentheorie) nổi tiếng của Đức đã khẳng định như thế. Hi vọng mở ra một tương lai cho ta vươn tới. Vì thế, cuộc đời của người theo Chúa có hậu, chứ không vô vọng “như những người khác vì không có Chúa…” Nhờ gặp Chúa, tin vào Chúa, mà ki-tô hữu có một cuộc sống khác, đời họ đổi khác.
Trải dài trong lịch sử ki-tô giáo có vô số bằng chứng nói lên điều đó. Không cứ gì ở Rô-ma cổ, mà cả ở Kẻ Chợ, đâu đâu dân ngoại cũng trầm trồ ngỡ ngàng về “những kẻ theo đạo yêu thương”. Đạo gì mà quả lạ, chưa gặp nhau mà họ đã yêu nhau rồi! Nhìn vào những tấm gương mới hơn: một An-tịnh (Augustinus), một I-nhã ở Loyola, một Phan-sinh ở Assisi, một Tê-rê-xa ở Calcutta… Trác táng hay khó tính đến đâu đi nữa, sau khi gặp Chúa, đời họ chuyển hướng. Hay như tấm gương thánh Bakhita, mà giáo chủ Gio-an Phao-lô mới đưa lên bàn thánh, và đã được giáo chủ Biển-đức nêu danh trong Tông thư. Bakhita là một cô gái nô lệ ở Sudan, bị người ta năm lần bảy lượt mang ra chợ trời bán và đánh đập tàn nhẫn (với tổng cộng 144 vết thẹo trên mình). Cuối cùng về làm nô lệ cho một công chức, và ông này đã mang cô về Í để hầu hạ gia đình ông. Ở đây, cô đã gặp được ông Chủ lí tưởng của cô, đó là “Chủ” Giê-su, và từ đó đời cô biến đổi hoàn toàn. Thành một nữ tu hết lòng phục vụ cộng đoàn và không ngừng đi khắp đây đó để loan báo cho mọi người hay về cuộc đổi đời và về ông Chủ mới của mình.
 
Biến chuyển trong thời mới
 
Khi nhìn lại quá trình lịch sử trong mấy trăm năm gần đây, ta thấy đức tin / hi vọng ki-tô giáo bị ảnh hưởng nặng nề bởi Thời mới (từ thế kỉ 16 trở đi). Đấy là thời mở màn Tiến bộ khoa học với hai hậu cảnh lớn là Lí trí và Tự do. Thời mới đã ảnh hưởng lên Hi vọng ki-tô giáo trên hai mặt. Nó làm thay đổi mục tiêu của Hi vọng, và đẩy Đức tin vào vòng cá nhân.
- Thay đổi mục tiêu Hi vọng: Cho tới lúc này, con người đặt hết hi vọng vào Thiên Chúa qua đức Ki-tô. Ngài sẽ “cứu độ” họ, bằng cách giúp họ lấy lại được những gì đã mất khi bị đuổi khỏi vườn địa đàng. Ngài sẽ mở cánh cửa hạnh phúc đời đời của “Vương quốc Thiên Chúa”, để con người bước vào. Cuộc sống viên mãn là đó. Hạnh phúc tràn đầy là đó. Ơn cứu độ là đó. Chính Chúa là kẻ sẽ trao cho họ chìa khoá hạnh phúc, cuộc sống đời đời.
Nhưng tiến bộ không ngừng gia tăng của khoa học đã làm choá mắt con người. Tiến bộ khoa học dựa trên nền tảng khám phá ra các quy luật thiên nhiên. Và với những khám phá đó, con người nghĩ rằng mình đã lấy lại được địa vị bá chủ trên tạo vật của mình, cái địa vị uyên nguyên mà họ đã có khi còn trong địa đàng. Như vậy, thì tôi mới là chủ thật, chứ cần gì “cái giả thuyết Thiên Chúa” (Laplace[1] kia nữa. Với sức người, sỏi đá cũng thành cơm mà. Như thế, thì cần gì cái “Vương quốc Thiên Chúa” xa xôi nào nữa. Hi vọng vào Chúa giờ đây chuyển sang hi vọng vào Tiến bộ khoa học. Mà Tiến bộ khoa học cũng đồng nghĩa với khả năng bá chủ của Lí trí. Và, tôn thờ Lí trí cũng có nghĩa là phải chống lại mọi trói buộc của tôn giáo, đồng thời phải đòi cho con người được Tự do vô giới hạn. Con người giờ đây là tối cao. Nó tự đặt ra chân lí cho nó. Nó tự tạo công lí cho nó. Nó sẽ tự cứu độ nó, chẳng cần phải ai giúp. Và lịch sử kinh hoàng của thế kỉ 20 với hai trận thế chiến, với các chủ nghĩa cộng sản và phát xít, độc tài cực đoan cho thấy con tàu không người lái đã đưa nhân loại về đâu. Vì khi không còn Thiên Chúa cầm lái nữa, thì chỉ còn luật kẻ mạnh, mọi người có quyền tự do làm điều mình muốn. Hitler, Mussolini, Franco, Lenin, Stalin, Mao, Hồ, Polpot, cha con Kim Nhật Thành, Adi Amin, Taylor … đã hành xử cái tự do chính đáng của họ.
- Cá nhân hoá đức tin : Đã có Vương quốc con người, không cần gì hi vọng cứu rỗi nơi «Vương quốc Thiên Chúa » nữa. Thời mới và khoa học thật ra không (thể) triệt tiêu Thiên Chúa. Nhưng trước sức ép vũ bão của chúng, Ki-tô giáo đành bảo nhau mang Hi vọng rút vào sân sau cá nhân cố thủ. Vì vậy, càng ngày nó càng bị chỉ trích mạnh mẽ. Người ta bảo rằng, Hi vọng ki-tô giáo là thứ thuần tuý cá nhân chủ nghĩa, nó giúp con người chạy trốn khỏi thế giới đầy bất hạnh, để đi tìm cứu rỗi cho riêng mình. Karl Marx đã điểm được yếu huyệt này, nên đã cổ vũ một cuộc cứu độ tập thể. Ngọn cờ tập thể này đã mê hoặc bao nhiêu thế hệ trong thế kỉ 20, đặc biệt nơi giới gọi là trí thức. Nhưng cứu độ của ông không bằng phương tiện Tình yêu (như Ki-tô giáo chủ trương), mà bằng con đường chém giết, bằng những cuộc cách mạng long trời lở đất. Nhân danh tập thể, ông coi con người cá nhân là thứ rác rưởi, dùng làm nhiên liệu cho cỗ máy cách mạng. Và lịch sử đã cho thấy chủ trương cứu rỗi tập thể và Vương quốc con người hoang tưởng do Marx và hậu duệ của ông hô hào thiết lập đã đi về đâu.
Tóm lại, để giải quyết cái khủng hoảng không người lái hiện tại của thế giới, theo giáo chủ Biển-đức, một đàng Thời mới phải tự kiểm điểm, bằng qua đối thoại với Ki-tô giáo và bằng cách tìm hiểu khái niệm Hi vọng của nó; đàng khác Ki-tô giáo cũng phải tự xét lại mình. Ki-tô giáo phải tự hỏi, đâu là nội dung Hi vọng thực sự của mình, và Hi vọng đó có thể và không có thể mang lại ơn ích gì cho thế giới? Còn Thời mới sẽ phải tự hỏi, đâu là thực chất của Tiến bộ, nó hứa hẹn gì và không hứa hẹn gì? Bởi vì, nếu Tiến bộ kĩ thuật không đi đôi với sự tăng trưởng đạo đức, thì nó sẽ chẳng phải là tiến bộ, mà là mối đe doạ cho nhân loại và thế giới, như ta đã và đang thấy. Thời mới cũng phải hỏi, đâu là biên giới của Lí trí và Tự do:
 
« Phải chăng thứ lí trí giúp mở rộng khả năng thể chất của ta và giúp ta hành động đã là toàn bộ lí trí? Nếu tiến bộ đòi hỏi sự gia tăng đạo đức của nhân loại, thì loại tiến bộ về khả năng và hành động cũng nhất thiết phải được bổ túc, bằng cách nó phải mở ra cho lực cứu độ của đức tin và cho sự phân biệt tốt xấu. Chỉ có như thế, nó mới là lí trí con người đích thực. Để được gọi là lí trí con người, lí trí đó phải có khả năng hướng đạo cho í muốn; và để làm được điều này, lí trí đó dứt khoát phải vượt lên trên chính nó. Nếu không, thì với tình trạng mất thăng bằng giữa một bên là khả năng thể chất và bên kia là thiếu phán đoán của con tim, con người sẽ trở thành mối đe doạ cho chính mình và cho tạo vật. Về “tự do” cũng vậy. Ta phải nhớ rằng, tự do con người luôn đòi hỏi một sự song hành của nhiều tự do. [Tự do cũng có nghĩa là tự do làm điều xấu] Nhưng, không thể có được sự song hành này, nếu như các tự do đó không được chỉ đạo bằng một khuôn thước nội tâm chung, và khuôn thước này là nền tảng và là mục tiêu tự do của chúng ta. » (23)
 
Môi trường học hỏi và đào luyện Hi vọng.
 
Tông thư gồm 50 đoạn, nội dung tương đối ngắn (bản dịch Việt ngữ có thể lấy xuống từ www.liendoi.net), nhưng trọng lượng khá nặng, vì sự súc tích và chiều sâu kiến thức của nó. 31 đoạn đầu bàn về lí thuyết, mà chúng ta đã lược qua một vài điểm trọng yếu trên đây. Đoạn 32 tới 48 trình bày phần thực hành Hi vọng. Hai đoạn cuối là một bài ca tuyệt đẹp về Mẹ Maria như là mẫu gương Hi vọng.
Về môi trường học tập và thực hành Hi vọng, Giáo chủ kể ra ba : Cầu nguyện, Hành động và khổ đau, Cuộc phán xét. 
Cầu nguyện là môi trường căn bản đầu tiên để luyện tập và thực hành đức tin. Đó là nhựa sống từ lòng đất thân cây hút vào để nuôi sống mình. Trong mục này, Giáo chủ nhắc tới gương cầu nguyện của cố hồng i Nguyễn Văn Thuận. Trải qua 13 năm tù, trong đó 9 năm biệt giam, cầu nguyện đã trở thành nguồn Hi vọng sống sót của ngài, mà ngài đã gọi đó là « Đường Hi Vọng ». Trong cầu nguyện, ta không còn cô đơn. Nỗi cô đơn của ta (Solatio), đã có một kẻ khác cùng hiện diện trong đó và được chia sẻ (Cum / Con): Con-solatio. Con đường hi vọng đó giúp tôi vươn tới, vượt lên trên cả những o ép và đày đoạ của quyền lực chính trị. Nó giúp tôi chấp nhận và vượt thắng khổ đau, vì tôi hiểu rằng đau khổ đó làm cho đời tôi có í nghĩa. Về điểm này, Giáo chủ lại nhắc tới gương một người Việt khác, đó là thánh tử đạo Lê Bảo Tịnh (+1857). Trong lao tù, giữa cô đơn, đày đoạ, cực hình, và hàng ngày phải chứng kiến bao cảnh phạm thượng, nhờ sức mạnh hi vọng từ đức tin, thánh nhân đã chuyển hoá đau khổ thành ra những bài ca hi vọng bất tận: Lượng từ bi Chúa tồn tại tới muôn đời! «Giữa cơn phong ba bão táp, tôi thả neo lên tận ngai Chúa; chính Ngài là niềm hi vọng sống mãi trong lòng tôi », thánh Tịnh đã kết thúc chứng từ của mình với niềm tác tín đó.
Trong kho tàng Hi vọng của Giáo hội, thiếu gì và có biết bao tấm gương còn lớn hơn. Nhưng giáo chủ Biển-đức đã đưa ra những tấm gương từ hai miền đất thế giới hiện đang phải trải qua hoàn cảnh nghiệt ngã. Sudan, từ nhiều năm nay, là vùng đất của bạo lực và máu, của những tiếng gào thất thanh của hàng triệu người dân tị nạn vô tội. Hồ sơ Nguyễn Văn Lý và con đường thánh giá của cố hồng i Thuận cũng như của Giáo hội Việt-nam cũng chẳng xa lạ gì đối với giáo chủ Biển-đức. Ở đây, tôi không có í « chính trị hoá » lá thư mục vụ của ngài. Nhưng việc ngài nêu tên hai địa danh đó lúc này không phải là không có nghĩa. Ngài muốn chia sẻ khổ đau đặc biệt với hai dân tộc qua lời nguyện hi vọng, và hơn thế, đó cũng là lời động viên gởi đến đồng đạo của ngài. Tôi nghĩ, các cộng đoàn, tổ chức công giáo người Việt nên viết cho ngài đôi lời cám ơn về niềm ưu ái đó. Đấy là hành động biết ơn cụ thể. Đừng để lá thư tâm huyết hữu ích của ngài chìm đi như không có gì cả. Hồng i Karl Lehmann, chủ tịch Hội đồng giám mục Đức, hôm họp báo giới thiệu Tông thư, đã thay mặt Giáo hội Đức cám ơn giáo chủ Biển-đức đã cho họ một bài văn hay, một tài liệu bổ ích cho việc sống mùa Vọng.
Trở lại với Hi vọng và đau khổ. Cầu nguyện và Hi vọng là sự cọ xát tẩy sạch con người tôi, để tôi có thể mở lòng ra cho Chúa và tha nhân. Hi vọng chở tôi băng qua mọi thác ghềng cuộc đời, vì tôi biết rằng đàng kia có người đang yêu tôi, đang sẵn sàng đồng hành với tôi trên con đường lữ thứ và đang đón chờ tôi nơi điểm hẹn. Và như thế, Hi vọng đẩy tôi dấn thân hành động, góp phần đổi mới thế giới, góp tay vào việc làm giảm bớt khổ đau cho thế giới, nhất là cho những người vô tội.
Cuối cùng, toà phán xét cũng là cơ hội để ta Hi vọng. Thiên Chúa không chỉ là Tình yêu, mà Ngài còn là Công lí. Và toà phán xét là nơi công lí của Ngài sẽ thể hiện. Vì rằng, nếu chỉ là Tình yêu hay Hồng ân mà thôi, thì tôi lo gì với điều đánh cuộc của Pascal [2], và như thế Chúa sẽ mắc ta món nợ công lí. Tôi cứ mặc sức ăn chơi, tự do làm điều xấu, vì cuối cùng rồi thì lượng hồng ân bao la của Chúa cũng sẽ thứ tha, xoá sạch tội của tôi. Nhưng Thiên Chúa không chỉ là Hồng ân. Và hồng ân của Ngài không biến sự ác thành công lí. Kẻ bất lương không thể cuối cùng ngồi chung bàn tiệc với nạn nhân của nó. Nhưng nơi toà án của Chúa có cả hồng ân lẫn công lí, và hồng ân đó luôn đủ lớn để ta bất cứ giờ phút lịch sử nào của đời mình cũng có thể trở về cậy trông và hi vọng vào nó.
 
Tôi không có kết luận cho bài này, vì không đủ khả năng để nhận định hay phê bình. Mà chỉ muốn mở ra đôi điều về cuộc hành trình tư tưởng của giáo chủ Biển-đức XVI. Chúng ta đang ở trong một thời đại khủng hoảng Hi vọng (Đức tin). Cuộc khủng hoảng này bắt nguồn từ Thời mới ở Âu châu, với sự Tiến bộ của khoa học và với việc đề cao tuyệt đối Lí trí. Và khủng hoảng ki-tô giáo cũng là khủng hoảng của văn hoá văn minh âu châu. Mục tiêu của giáo chủ Biển-đức là làm sao để thế giới thoát ra cơn khủng hoảng này. Ngài đưa ra hai phương thuốc :
Thời mới phải đặt lại vấn đề niềm tin mù quáng vào Tiến bộ khoa học và vào Lí trí của mình. Lịch sử thế giới, được xây trên niềm tin đó, hơn một trăm năm qua với bao kinh hoàng và vực thẳm đã đủ để Thời mới phải đặt lại vấn đề. Nếu cứ tiếp tục chấp nhận tình trạng không người lái, chắc chắn con tàu sẽ đưa nhân loại vào những kinh hoàng vô lường khác. Đây là một đòi hỏi sống chết của Biển-đức; một mặt trận mà ngài đã mở ra từ ngày còn là một giáo sư đại học.
Phía Ki-tô giáo cũng phải xét lại mình. Xét mình để tìm lại đâu là bản chất đích thực của mình. Đâu là lí do làm cạn kiệt sức sống và hiệu năng vốn có của mình, khiến mình phải rút lui vào thế thủ. Trong quá trình hai ngàn năm, Ki-tô giáo đã vì hoàn cảnh hoặc vì lòng người chất chứa lên con tàu khí cầu của mình qúa nhiều thứ, khiến nó nặng nề không bay bổng lên được. Phải xem lại hành lí, lọc lựa ra cái gì là bản chất để làm hành trang lên đường. Hãy « Verwesentlichung » (bản chất hoá, tìm cái cốt tuỷ, một từ mà nhà thần học Ratzinger tâm đắc) Giáo hội. Với nhận thức này, với « Spe Salvi » về lòng Cậy tiếp theo « Deus caritas est » về lòng Mến, giáo chủ Biển-đức đã đưa ra cho chúng ta hai nét bản sắc tuyệt đẹp của Ki-tô giáo, những thứ mà, nếu xét cho kì cùng, không một tôn giáo nào khác có thể cung ứng cho ta được.
Nắm được sợi chỉ đỏ trên, ta sẽ hiểu rõ hơn về hành trình tư tưởng đã, đang và sẽ tới của Giáo chủ.
Augsburg, ngày 10.01.2008

 
[1] Cuối thế kỉ 18, hoàng đế Napoléon cho triệu nhà vật lí nổi danh Laplace vào cung, để trình bày cho ông về hình ảnh thế giới theo bước tiến của khoa học thời đó. Laplace say sưa thuyết giảng cho vị Hoàng đế ham học hỏi. Cuối phần thuyết trình, Napoléon bất ngờ hỏi: “Thế còn Thiên Chúa?” Laplace đứng thẳng người, kênh kiệu trả lời: “Thiên Chúa? Tôi chẳng cần gì tới giả thuyết ấy nữa!”
[2] Pascal đưa ra một đánh cuộc nổi tiếng về Thiên Chúa và cuộc sống như sau: Nếu tôi sống đàng hoàng như có Thiên Chúa, mà cuối cùng không có Ngài hiện diện thật sự, thì tôi có thể chỉ mất đi một phần nào vui thú cuộc đời thôi, nếu tôi đã không sống một cách ích kỉ. Còn nếu tôi sống phóng túng như không có Chúa, mà cuối cùng lại có Ngài thật sự, thì tôi sẽ phải lãnh án phạt đời đời.